Sáng nay 30/11, TAND huyện Văn Giang (Hưng Yên) mở phiên tòa xét xử
vụ án côn đồ hành hung người dân Văn Giang khiến dư luận bức xúc thời
gian qua. 2 bị cáo bị đưa ra xét xử là Nguyễn Tuấn Dũng (35 tuổi), trú
thị trấn Văn Giang - huyện Văn Giang và Đinh Văn Huỳnh (28 tuổi), trú xã
Liên Nghĩa - Văn Giang (Hưng Yên).
Hơn 7 giờ sáng, rất nhiều người dân Văn Giang đã đến dự phiên tòa
xét xử. Lực lượng an ninh có mặt khá đông để đảm bảo công tác an ninh
trật tự cho phiên tòa. Tòa sau đó đã thông báo chỉ những người liên quan
tới vụ án, những người được triệu tập hoặc có giấy mời mới được qua
cổng vào phòng xét xử.
Tham dự phiên tòa với tư cách bị hại, ông Lê Thạch Bàn (73 tuổi), ở
thôn 1 - Xuân Quan - Văn Giang phải đến toà với sự trợ giúp, dìu đi của
vợ và con trai. Ông Bàn cho biết, các vết thương của ông thường xuyên
đau nhức nhối, nhất là trong trời rét. Đặc biệt, một bên ngực phải mổ
nội soi do đọng máu trong phổi khiến ông rất khó thở. Ông Bàn yêu cầu cơ
quan chức năng phải tiếp tục điều tra tìm ra kẻ tổ chức, chủ mưu trong
vụ án.
2 nạn nhân còn lại là 2 anh em ruột - ông Đàm Văn Nghiệp (54 tuổi, ở
thôn 10 xã Xuân Quan) và ông Đàm Văn Đồng (52 tuổi, ở thôn 10 xã Xuân
Quan) cũng cho biết các vết thương thường xuyên tái phét khi trời lạnh.
Ông Đồng thông tin thêm, trước phiên tòa, bố bị cáo Dũng và vợ của
bị cáo Huỳnh đã đến nhà xin bồi thường dân sự song ông không đồng ý. Ông
Đồng cũng bức xúc vì nhóm côn đồ gây án đến hàng chục người chứ không
chỉ 2 đối tượng cáo trạng của VKSND huyện Văn Giang. Ngoài ra, ông Đồng
cũng kiến nghị truy tố các bị cáo tội Giết người chứ không phải với tội
danh Cố ý gây thương tích.
Tại phiên tòa, các bị cáo khai, ngày xảy ra sự việc, các bị cáo có
mặt để bảo vệ máy móc cho một số đối tượng. "Hợp đồng thuê người bảo vệ"
này chỉ thực hiện... bằng miệng. Bị cáo Dũng “thanh minh”, lúc xảy ra
sự việc, có một số người dân ra quay phim chụp ảnh. Các bị cáo có trách
nhiệm đuổi người quay phim, chụp ảnh ra khỏi khu vực bị cưỡng chế. Tuy
nhiên, khi HĐXX hỏi có chứng cứ nào cho thấy người dân chửi bới, xúc
phạm các bị cáo không thì cả 2 bị cáo đều thừa nhận không có chứng cớ.
Khi được Chủ tọa hỏi, ông Đồng phản bác, khẳng định ông chỉ vào khu
vực cưỡng chế rồi đi về, không chửi bới. Khi ông đứng ở đó, các bị cáo
không phản ứng gì, chỉ đến khi trên đường về mới bị truy sát. Ông Nghiệp
cũng phủ nhận việc chửi bới, quay phim chụp ảnh với lý do, trong khoảng
cách khoảng 200 mét, có quay cũng không nhìn rõ.
Trong bản luận tội, đại diện VKS lập luận, bị cáo Dũng đánh Đồng và
Nghiệp, bị cáo Huỳnh đánh ông Bàn. Huỳnh thực hiện hành vi ngang ngược,
giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, coi thường mạng sống của nhiều
người. Bị cáo gây thương tích cho ông Bàn trên 70 tuổi nên bị áp tình
tiết tăng nặng phạm tội với người già và với nhiều người.
Xét về nhân thân, cả hai bị cáo đều có tiền án, tiền sự, do vậy cần
có hình phạt nghiêm khắc, cần cách ly khỏi đời sống một thời gian.
Nhưng xét thấy, hành vi của các bị cáo có nguyên nhân 1 phần do bức xúc
vì một số người dân chửi và khiêu khích, tòa nhận định, việc hành hung
chỉ mang tính chất tự phát, không có sự bàn bạc thống nhất từ trước. Sau
khi phạm tội, các bị cáo đã tự thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm
tội của mình.
VKS đề nghị phạt bị cáo Huỳnh 3-3,5 năm tù; bị cáo Dũng 12- 15
tháng tù. Về trách nhiệm dân sự, buộc hai bị cáo bồi thường cho ông Đồng
1,8 triệu đồng, ông Nghiệp 8,2 triệu đồng; buộc bị cáo Huỳnh bồi thường
cho ông Bàn 42 triệu đồng.
Một trong những vấn đề chưa được làm rõ trong phần tranh luận là
vai trò của các bị cáo khi xuất hiện trong khu đất dự án. Các bị cáo
khai do một người tên là Hà thuê trông coi máy móc bằng thỏa thuận
miệng. Còn việc máy móc của ai, các bị cáo cũng đều trả lời... không
biết.
Luật sư Hà Huy Sơn (bảo vệ cho phía bị hại) cho rằng, 2 bị cáo
Huỳnh và Dũng là đồng phạm, hành vi có mục đích rõ ràng là giết cụ Bàn,
ông Đồng và ông Nghiệp. Việc ông Bàn không chết là ngoài ý muốn của
Huỳnh, Dung và đồng bọn.
Theo luật sư Sơn, đây là hành vi giết người thuê, có tổ chức. Các
bị cáo đã không thành khẩn khai báo người đã thuê, chỉ huy họ hành động.
Cần áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng với các bị cáo là phạm tội có
tổ chức, phạm tội có tính chất côn đồ, đánh người già, phạm tội gây hậu
quả rất nghiêm trọng, cố tình thực hiện tội phạm tới cùng.
Luật sư Hà Huy Sơn cũng đề nghị trả hồ sơ lại cho VKSND huyện Văn
Giang để yêu cầu điều tra bổ sung, khởi tố các nghi phạm với tội giết
người và xâm phạm chỗ ở của công dân, đồng thời điều tra thêm về những
người cầm đầu.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định bác bỏ yêu cầu trả hồ sơ điều tra
bổ sung này vì cho rằng, hành vi của các bị cáo không nhằm mục đích tước
đoạt sinh mệnh của ông Bàn cũng như các bị hại khác.
Tòa nhận định, hành vi của các bị cáo thể hiện sự hung hãn, gây tổn
thất cho sức khỏe của các bị hại và gây hoang mang cho người dân, cần
phải tách các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. HĐXX tuyên phạt bị cáo
Huỳnh 3 năm 6 tháng tù giam (42 tháng); bị cáo Dũng 1 năm 6 tháng tù
giam (18 tháng). Ngoài ra, tòa cũng buộc bị cáo Huỳnh, Dũng phải chia
nhau bồi thường cho ông Đồng 8,3 triệu đồng, ông Nghiệp 8,2 triệu đồng;
riêng Huỳnh buộc bồi thường cho ông Bàn 42,9 triệu đồng.
Ngay sau khi tòa tuyên án, các bị hại cho biết sẽ kháng cáo lên
TAND tỉnh Hưng Yên vì cho rằng tòa sơ thẩm đã bỏ lọt tội giết người có
tổ chức của nhóm côn đồ.
0 comments:
Post a Comment