Mang phong cách kiến trúc châu Âu,
trường THPT Ngô Quyền đã bước sang tuổi 96. Những năm tháng kháng chiến,
trường là nơi đào tạo nhiều cán bộ cách mạng, nhân sĩ yêu nước, trong
đó có cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, giáo sư Vũ Khiêu, nhạc sĩ Văn Cao,
nhà thơ Thế Lữ...
Trường THPT Ngô Quyền (trước đây còn có tên trường Bonnal, trường Bình
Chuẩn) được thành lập ngày 15/10/1920, là ngôi trường trung học đầu tiên
của Hải Phòng và cũng là một trong số ít ngôi trường cấp 3 đầu tiên của
Việt Nam do người Pháp xây dựng trong những năm đô hộ. Trải qua 96 năm,
ngôi trường mang kiến trúc châu Âu còn giữ được nét cổ kính. Khóa học
đầu tiên chỉ có 45 học sinh, sau đó tăng dần đều trong các năm. Hiện nay
trường có 1.600 học sinh.
Trường được xây dựng theo hình chữ U, tòa chính giữa 2 tầng và 2 dãy
tả, hữu một tầng, lợp ngói đỏ, tường sơn gam màu vàng, cửa gỗ sơn xanh.
Nhiều năm sau, do nhu cầu dạy và học tăng, 2 dãy một tầng được nâng cấp
xây 2 tầng.
Dãy nhà chính giữa được người Pháp thiết kế cầu kỳ hơn 2 dãy còn lại từ
đường nét cho tới việc trang trí hoa văn trên tường. Điểm đặc trưng
nhất của các công trình kiến trúc Pháp là cửa mái vòm theo kiểu gothic.
Người Pháp không bao giờ chọn hoa văn trang trí giống nhau thể hiện
trên các công trình xây dựng có công năng khác nhau. Với trường Ngô
Quyền, hoa văn thể hiện là hình sóng nước mềm mại đắp nổi ôm theo mái
vòm của từng ô cửa sổ và dọc 2 trụ cột là hình những chiếc chuông. Tất
cả được sơn gam màu trắng.
Trong khi đó 2 dãy phòng học đối xứng nhau được thiết kế mảnh mai hơn, thanh thoát hơn.
Để thầy và trò tiện theo dõi thời gian, người Pháp thiết kế một chiếc
đồng hồ cơ có đường kính gần một mét chìm trong tường tại vị trí trang
trọng nhất của tòa nhà chính. Hiện tại đồng hồ vẫn chạy tốt.
Các dãy phòng học được ngăn cách bởi một hành lang rộng 2,5 m và một
bức tường phía ngoài dày tới 34 cm đảm bảo phòng học luôn thoáng mát về
mùa hè và ấm áp về mùa đông.
Mỗi phòng học đều được bố trí 2 cửa lớn ra vào và 2 cửa sổ đại, thỏa sức lấy ánh sáng tự nhiên.
Cô giáo Cao Tố Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền cho biết, nhiều
học sinh trường Ngô Quyền sau này trở thành những chính khánh, nhà khoa
học, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, giáo sư
Vũ Khiêu, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đỗ Nhuận,
nhạc sĩ Nguyễn Đinh Thi, nhà thơ Thế Lữ...
0 comments:
Post a Comment