THIÊN ĐƯỜNG THỜI TRANG NỮ HẢI PHÒNG

Nhắc về giang hồ đất Cảng cùng với thế giới ngầm của nó, thông thường người ta sẽ tò mò muốn tìm hiểu những câu chuyện bí ẩn về luật lệ riêng, cuộc sống ngoài vòng pháp luật của dân anh chị, những tay dao búa.
Nhưng ít ai biết rằng không phải ngẫu nhiên mà thế giới ngầm ấy phát triển mạnh nhất ở Hải Phòng. Càng không phải ngẫu nhiên mà cả chất lượng lẫn số lượng dân giang hồ nơi đây được đánh giá cao hơn giang hồ nơi khác.
Theo GS.TS Trương Công Am, trưởng bộ môn Tâm lý học tội phạm, Học viện An ninh nhân dân thì: Một nơi sinh ra nhiều tội phạm là nơi có nhiều điều kiện về vị trí, kinh tế, xã hội thuận lợi cho các loại tội phạm phát sinh và phát triển. Và Hải Phòng là một nơi như thế”. Sự thực là giang hồ Hải Phòng là thế giới ngầm có một lịch sử hình thành và phát triển khá đặc biệt.
Vì sao có giang hồ đất Cảng?

Giang hồ Hải Phòng xuất hiện từ những năm tháng đầu thế kỉ XX, giai đoạn mà nhà Văn Nguyên Hồng viết tiểu thuyết “Bỉ vỏ”. Tác phẩm đã phản ánh thực trạng về một xã hội rối ren đương thời, nơi mà những con người luôn bị dồn ép vào con đường không thể yên ổn, lương thiện.
Và nhân vật chính- Tám Bính là hình mẫu đầu tiên về hình ảnh của một giang hồ đất Cảng, chuyên làm nghề cướp giật và sống ngoài vòng pháp luật. Dù chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết, nhưng Tám Bính là một bằng chứng cho sự xuất hiện rất sớm của giới giang hồ ở Việt Nam.
Lý giải cho điều này, nhà văn Nguyễn Đình Tú (người gốc Hải Phòng), trưởng ban văn xuôi tạp chí Văn nghệ quân đội, cũng là người đã nghiên cứu nhiều năm về giới giang hồ Hải Phòng nói: “Nhiều người cho rằng, giang hồ Hải Phòng thời trước là sản phẩm tất yếu từ chế độ hà khắc của thực dân Pháp.
Nhưng tôi cho rằng, đó không phải nguyên nhân chính. Bởi vì, ngay ở thời bình, chế độ Xã hội chủ nghĩa của ta, giang hồ đất Cảng vẫn tồn tại. Nguyên nhân chính thuộc về tính cách đặc biệt của người Hải Phòng khi được nuôi dưỡng trong một bối cảnh thuận lợi”.
Theo nhà văn, Hải Phòng và Nam Định là những nơi mà giới giang hồ phát triển mạnh và có tính “máu me” nhất miền Bắc. Đây cũng là 2 nơi mà thành thị xuất hiện khá sớm. Khi mà nước ta vẫn giống như một cái làng lớn, mọi người dân chủ yếu vẫn là những nông dân thì ở Hải Phòng, Nam Định đã có những thành thị khá lớn. Trong quá trình lâu dài, những thành thị này hình thành một lớp thị dân với lối sống và tính cách khác biệt.
Vào thời Pháp thuộc, chế độ thực dân ngặt nghèo đã đẩy dân ta vào tình trạng bần cùng hóa, tha hóa đạo đức. Người nông dân nếu có tha hóa thì cũng lắm cũng chỉ như Chí Phèo rạch mặt ăn vạ kiếm mấy đồng bạc uống rượu. Nhưng dân thành thị bị tha hóa thì bắt buộc phải cướp bóc, đánh bạc, đòi nợ thuê, …đúng theo lối sống thành thị. Do vậy, hình thành giang hồ đất Cảng.
Bên cạnh nguyên nhân xuất hiện thành thị sớm, Hải Phòng còn là địa bàn lý tưởng để cướp bóc và chạy trốn. Về điều này, nhà văn Lê Lựu cho rằng: Hoạt động giao thương ở cảng biển khiến Hải Phòng sớm trở thành nơi giàu có, nhiều tiền của, dân tứ xứ tập chung đến làm ăn, buôn bán khiến tình hình an ninh trở nên phức tạp hơn nơi khác.
Hải Phòng xưa vốn là mảnh đất ven biển, nhiều sình lầy đồng bãi. Đồng bãi ở Hải Phòng nhiều lau sậy, lại thoáng, rộng, một mặt giáp biển,…. Bên cạnh đó, ở Hải Phòng, cảng biển hoạt động từ rất sớm, có thể thông thương với Sài Gòn, vừa có thể đi Hồng Kông, Ma Cao (những thiên đường của tội phạm quốc tế). Vì thế, đây là nơi thích hợp cho việc ẩn nấp, chạy trốn của những kẻ thủ ác.
Vì sao giang hồ đất Cảng liều lĩnh, manh động?
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa (Báo An ninh Hải Phòng) cho rằng, tội phạm cộm cán ở Hải Phòng xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ phát triển mạnh và được gọi là giang hồ đất Cảng từ sau năm 1975. Khi đất nước thống nhất, hoạt động thông thương qua đường biển giữa hai miền Nam Bắc bắt đầu nối lại, chuyến tàu khách Thống Nhất mang theo những tên tội phạm ở Hải Phòng vào Sài Gòn để tìm địa bàn hoạt động rộng lớn, màu mỡ hơn.
Để bám trụ ở miền đất mới, tội phạm Hải Phòng chẳng những phải tỏ ra liều lĩnh, mà còn phải học được tất cả những thủ đoạn của tội phạm Sài Gòn. Đây cũng là phương thức làm ăn mà sau này một số trùm tội phạm như Dung Hà đã sử dụng sau khi ra tù và bị công an Hải Phòng đánh bật khỏi địa bàn.
Giang hồ đất Cảng cũng chính là cái tên mà dân miền Nam đặt riêng vừa để phân biệt, cũng là cách tỏ ra kiêng nể tội phạm Hải Phòng. (Dân miền Nam dùng từ “giang hồ”, miền Bắc dùng từ “bụi đời” để chỉ những người nay đây mai đó, bốn biển là nhà).
Đồng thời, Hải Phòng là cửa ngõ chính để giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với thế giới. Những chuyến tàu viễn dương mang hàng ra nước ngoài đã tạo ra tầng lớp thủy thủ tàu viễn dương, hay được gọi vui là những tay buôn lậu quốc tế. Họ mang theo vàng, đồ điện tử, đô la về nước và trở thành miếng mồi ngon cho giới giang hồ làm nghề bảo kê ở cảng. Cảng Hải Phòng trở thành nơi trung chuyển, trốn chạy, thậm chí là nơi “xuất nhập khẩu” tội phạm của nước ta.
Một trong những tên trùm giang hồ khét tiếng trong giới bảo kê ở Hải Phòng ngày ấy là Cu Nên. Sau 2 năm sống ở trại tỵ nạn Ma Cao, Cu Nên trở về cùng vợ con mang theo những thủ đoạn đánh cờ bạc bịp, bảo kê, đâm thuê chém mướn giao lưu được ở đất khách.
Ngày ấy, ở Hải Phòng có một số quán bar chỉ bán hàng cho người nước ngoài có hộ chiếu. Nhưng chỉ cần một khẩu K54 là Nên có thể “xin” được vài thùng rượu Tây mang ra ngoài bán vô tư. Dần già, Nên chuyển sang bảo kê cho những quán mà hắn từng “xin đểu”.
Cứ như thế, giang hồ đất Cảng ngày càng hình thành quy củ, hệ thống và phát triển mạnh hơn, bất chấp sự nỗ lực của cơ quan công an sở tại. Trong kháng chiến chống Pháp, giang hồ đất Cảng vốn đã nổi tiếng liều lĩnh, máu lạnh thì nay như hổ được chắp thêm cánh.
Lúc này, bên cạnh những tên cướp đường táo tợn bằng vũ khí nóng, xuất hiện thêm một tầng lớp có tổ chức và thủ đoạn ở mức độ cao cấp hơn. Đó là loại tội phạm hoạt động theo nhóm, băng đảng để thực hiện đồng thời vừa cướp bóc, đánh người, đòi nợ, lại vừa tổ chức đánh bạc.
Vào những năm 80, 90 của thế kỉ trước, ở thành phố Hải Phòng xuất hiện một thế giới ngầm được tổ chức có bài bản, hệ thống giống như một pháo đài bất khả xâm phạm. Điều này vừa phá vỡ nhịp sống bình yên của thành phố cảng, vừa như một lời thách thức của lịch sử với những người làm công tác chống tội phạm của Hải Phòng.
Giang hồ đất Cảng từ lâu được mặc định là danh từ riêng chỉ dành cho giới tội phạm ở Hải Phòng. Cách gọi này không chỉ để phân biệt tội phạm Hải Phòng với tội phạm nơi khác. Mà còn là lời khẳng định chắc như đinh đóng cột về tính cách không thể pha tạp của giới giang hồ nơi đây.
Bởi vì, ở nước ta, Hải Phòng không phải nơi duy nhất có cảng biển, có tập chung dân tứ xứ, …nhưng xét về chuyện sản sinh và đào luyện tội phạm thì nơi đây xứng đáng được xếp vào hàng “anh Cả”. Chính vì thế, mỗi khi nhắc tới giang hồ đất Cảng thì ngay cả những tên trùm giang hồ cộm cán ở nơi khác nếu không kinh hồn bạt vía thì cũng phải nể sợ vài phân.
Nhiều người cho rằng, căn nguyên sâu xa của sự thật không lấy gì làm tự hào ấy nằm ở tính cách, bản chất có phần hung hãn, hiếu chiến và ngang tàn của con người Hải Phòng. Sự thật là trải qua sự tác động cộng hợp của nhiều yếu tố trong hàng nghìn năm, người Hải Phòng đã mang trong mình một tính cách đặc trưng không thể pha tạp.
Tuy nhiên, việc sản sinh ra giới giang hồ có máu mặt vào loại đứng đầu cả nước có đúng là do tính cách con người Hải Phòng quyết định hay không thì cần được xem xét một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Người Hải Phòng đánh giá như thế nào về mình?
Gái Hải Phòng, trai đất Cảng
Trên một loạt các diễn đàn của người Hải Phòng, tính cách của con người nơi đây được mang ra bàn thảo vô cùng sôi nổi. Không mang tính học thuật cao siêu, cũng không có những kiến giải về địa lý, lịch sử,…Nhưng ở đọ thẳng thắn nói ra những ý kiến vô cùng thẳng thắn, chân thực về con người quê hương mình.
Tính cách người Hải Phòng được ca ngợi và cụ thể hóa bằng hai hình tượng hết sức sinh động là “Gái Hải Phòng, trai đất Cảng”.
Gái Hải Phòng là “món đặc sản” nổi tiếng thứ hai sau giang hồ. Bởi vì đây là quê hương của các hoa hậu và người đẹp. Nói tới các hoa hậu và người đẹp xuất thân từ Hải Phòng, người ta sẽ nghĩ tới hàng tá cái tên như Nguyễn Kim Oanh, Vũ Minh Thúy, Hoàng Nhật Mai, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Bình Minh, Nguyễn Tuyết Trang, Phạm Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Hồng Vân, Phạm Phương Bắc, Nguyễn Ngọc Anh,…Ấn tượng nhất là chung kết cuộc thi hoa hậu phía Bắc năm 2000, có 8 trong tổng số 13 người đẹp là người Hải Phòng.
Vì thế, người Hải Phòng tỏ ra rất tự hào về vẻ đẹp của những cô gái đất Cảng. Bloger Phạm Thế Anh cho rằng, vẻ đẹp của con gái Hải Phòng là vẻ đẹp không cầu kì, hào nhoáng, nhưng đủ để người ta cảm thấy nhớ,…Nếu con gái nhiều nơi ngọt như cốc nước đường thì con gái Hải Phòng ngọt như cốc nước đường chanh. Nước đường ngọt nhưng nhàm chán, nhưng khi được vắt thêm chanh sẽ trở thành một cốc nước có hương vị khiến bạn phải nhâm nhi tới giọt cuối cùng”.
Về hình tượng “Trai đất Cảng”, nick name Vtkiem trên haiphongfc.vn cho rằng: “Có người nói, do Hải Phòng giáp biển, quanh năm va vập với sóng gió nên tính cách con người ngang tàn, mạnh mẽ. Nhưng nước ta có trên 2000km đường bờ biển thì biển có ở nhiều nơi, duy nhất cái chất của con trai Hải Phòng thì không nơi nào có được”.
Bloger Phạm Thế Anh trong bài viết “Gái Hải Phòng, trai đất Cảng” cho rằng: “Dẫu sao cũng phải nói trai Hải Phòng dữ dội như biển cả, khi thích có thể nâng niu như sóng vỗ về, nhưng lúc không thích thì có thể cuồn cuộn, dập vùi mà không thương tiếc…”
Trong khi đó, nick name anh2VERSACE trên diễn đàn ttvnol.vn (trái tim Việt Nam online) lại dẫn ra một ví dụ sinh động về một giang hồ đất Cảng: “Dũng Mắt Cá không phải dân anh chị có tiếng ở Hải Phòng. Nhưng năm 1993, sau khi thua 1,6 tỉ đồng ở sòng bạc Năm Cam và được lại mặt 200 ngàn đi xe. Dũng không nhận mà gọi “anh em” của mình tới, gom 200 triệu trong sòng, châm lửa đốt, khiến cho Năm Cam rớt level (rớt hạng) nghiêm trọng”.
Thậm chí, có người so sánh với con trai Hải Phòng với con trai vùng miền khác để khẳng định chất ngông có một không hai: “Hà Nội giờ đây là “nồi lẩu thập cẩm” về tính cách…Ngang tàn như Hải Phòng có, “cá gỗ” như dân N.A có, ăn chơi như anh Hai Sài Gòn có, hào sảng như trai miền Tây cũng có…số lượng mỗi tính cách cứ sàn sàn như nhau mà không trội hẳn…Nhưng con trai Hải Phòng thì khác, dù đi đâu, làm gì cũng không bao giờ thay đổi, đã thích thì chơi, mà không thích thì chiều nhau tới bến”.
Trong khi nickname PoteyTau đưa ra nhận định có vẻ khách quan hơn: “Nói về tính cách người Hải Phòng thì phải xem xét rõ ràng ở 2 nhóm người. Nhóm giang hồ và nhóm trí thức. Sự dũng hãn, liều mạng như mọi người nói thì chỉ đúng với bộ phận nhỏ … là giới giang hồ.
Còn trí thức, thì chỉ nên dừng ở mức tính cách mạnh mẽ, không chịu khuất phục, không chịu luồn cúi, thích thì làm, không thích thì bật, kể cả mất việc…Điểm chung duy nhất của giới giang hồ và trí thức Hải Phòng là sự phân định rõ ràng trong yêu và ghét, không có chuyện lấy oán trả ân”.
Người Hải Phòng với tật chửi trọng tài đồng thanh: “hãy nhìn lại chính mình”
Tự hào, ca ngợi là vậy, nhưng người Hải Phòng cũng hết sức thẳng thắn khi nói về những tật xấu của mình. Về điều này, diễn đàn haiphongfc.vn có hẳn 8 trang đăng tải các ý kiến. Trong đó, bài viết “Những tật xấu của người Hải Phòng, hãy nhìn lại chính mình” của nick name khactuan2000 đã thẳng thắn liệt kê 13 tật xấu của con người đất Cảng.
Đáng chú ý là ý kiến “Người Hải Phòng tiềm ẩn bản tính “thích nổi loạn”, có dịp là có thể bùng phát”, hay “thường suy nghĩ thiếu sâu sắc , nếu không muốn nói là hời hợt, hành động mang tính bột phát, duy ý chí, đặc biệt là dễ bị lôi kéo”…
Nhưng có lẽ căn bệnh cố hữu đồng thanh chửi trọng tài trong các trận đấu bóng đá của cổ động viên Hải Phòng là chủ đề được thảo luận rôm rả hơn hết.
Tái hiện lại một trong những màn chửi trọng tài đáng nhớ của cổ động viên Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy, báo Thể thao văn hóa viết: “Có hàng trăm CĐV Hải Phòng có mặt trên sân Hàng Đẫy chiều qua để cổ vũ cho đội bóng quê hương và phần lớn họ mặc áo của hội CĐV, sử dụng đồ cổ động, ngồi tại khu vực khán đài B, bất chấp trời nắng gắt. Cứ mỗi khi trọng tài Nguyễn Phi Long cất còi thổi phạt cầu thủ V.HP là những tiếng chửi đồng thanh vị trọng tài này lại vang lên. Hành vi đó lặp đi lặp lại nhiều lần…”
Diễn đàn hảiphongfc.vn đã bàn tới nhiều chủ đề xoay quanh thực trang này: cổ động viên Hải Phòng vẫn chửi trọng tài, tại sao cổ động viên Hải Phòng hay chửi trọng tài,…Nick name Nguyen Van Linh cho rằng: “câu chửi trở thành thương hiệu của cổ động viên Hải Phòng. Nó ăn sâu vào tiềm thức, khó mà sửa được”.
Ngược lại, nick name T.Pr cho rằng: “ Không phải người Hải phòng nào cũng thích chửi như vậy… Những ai xem đá bóng qua ti vi thì sẽ thấy hành động chửi tập thể là cực kì phản cảm. Tiếng của hàng nghìn con người vọng vào, dù Ban tổ chức có nói át đi cũng không át được. Ngay cả những người Hải Phòng khi xem và nghe những câu chửi cũng sẽ cảm thấy xấu hổ.
Còn nhớ, có một lần gia đình tôi và họ hàng từ xa đến tụ tập xem bóng đá cuối tuần. Đúng vào đợt “cao trào” trên sân, tôi phải cầm ngay điều khiển và chuyển sang kênh khác. Tôi không muốn người ta đánh giá về người Hải Phòng theo cách như vậy và những màn đồng ca chửi bới trên khan đài không phải điều gì đáng tự hào. Khẳng định tính cách người Hải Phòng có nhiều cách, không cần bằng chửi bới”.
Còn nhớ, trong cuộc nói chuyện với nhà văn Lê Lựu về chủ đề tính cách người Hải Phòng, ông nói rằng: Ở Hải Phòng, người ta gọi là sông Lấp, nhưng nước vẫn chảy; gọi là cầu Đất nhưng hoàn toàn là xi măng; gọi là cầu Rào nhưng mọi thứ vẫn thông suốt,…Tóm lại là cách nói và bản chất chưa chắc đã giống nhau.
Điều này khiến tôi băn khoăn, liệu rằng những điều mà người dân đất Cảng nói về mình trên diễn đàn, trên các mạng xã hội đã phản ánh đúng bản chất của họ chưa?
Đi tìm đáp án cho câu hỏi vì sao Hải Phòng là nơi sản sinh ra nhiều giang hồ cộm cán? Vì sao giang hồ đất Cảng dữ dằn, táo tợn hơn giang hồ nơi khác? ..., tôi đã tìm tới nhiều nhà sử học, nhà xã hội học, thậm chí cả những nhà văn có các tác phẩm về tội phạm Hải Phòng. Mỗi người một kiến giải riêng nhưng điều trùng hợp là hầu hết họ đều cho rằng: yếu tố quyết định nhất tới số lượng và bản chất giang hồ đất Cảng nằm ở tính cách của người Hải Phòng. Vậy, đó là tính cách như thế nào?
Tính cách người Hải Phòng vốn dĩ không phải một vấn đề mới, bởi vì nó đã được những nhà sử học, những nhà dư địa chí thời phong kiến nhắc tới nhiều lần. Thế nên, để đi tìm một kiến giải về mặt lịch sử, tôi đã tìm gặp nhà sử học Lê Văn Lan. Nhưng, thật bất ngờ là ông từ chối mọi bình luận. Ông nói rằng, ông đã gây hấn quá nhiều với người Hải Phòng, vì thế không muốn nói thêm gì về họ. Phải chăng, lịch sử dân tộc đã có những đánh giá không mấy tốt đẹp về tính cách của người dân đất Cảng?
Tại Hội Khoa học – Lịch sử Hải Phòng, nhà sử học Ngô Đăng Lợi (chủ tịch hội), một người Hải Phòng chính gốc, đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa bản địa, đã nói rằng: “Bản chất người Hải Phòng không phải bản chất của tên đại giang hồ như người ta thường nghĩ. Mà đó là sự dũng hãn (nghĩa là chuộng nghĩa và chơi đẹp) của một người quân tử”.
Theo ông, nguyên nhân chính là do Hải Phòng có một vị trí địa lý và lịch sử phát triển khá đặc biệt. Xưa kia, đây là vùng đất sình lầy ven biển do nữ tướng Lê Chân cùng với những thủ hạ của mình khai phá. Do nằm ở vị trí yếu hiểm, nên hầu như kẻ thù nào có ý định xâm lăng hay rút chạy khỏi nước ta đều đi qua Hải Phòng. Thế nên, nơi đây trở thành một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long ngày trước.
Ở mảnh đất đầu sóng ngọn gió, được nuôi dưỡng trong một lịch sử chống xâm lăng hào hùng từ thời Ngô Quyền chống Nam Hán, Hưng Đạo Vương 3 lần chống Mông Nguyên, …đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nên người Hải Phòng vừa dữ dằn, mạnh bạo vừa chính nghĩa, kiên cường.
Đồng quan điểm này, nhà văn Lê Lựu, người đã gắn bó hơn 40 năm đời lính với thành phố Cảng nói thêm: Tôi đã viết một số tác phẩm về con người Hải Phòng. Không dám nhận là đã khám phá hết tính cách con người nơi đây nhưng tôi đã cảm nhận được những đặc điểm nổi trội. Đó là bản tính phóng khoáng, mạnh mẽ của những người dân vùng biển, quen va vập hàng ngày với sóng gió, sông nước, sình lầy. Nhưng điều khiến ông ấn tượng nhất về người Hải Phòng chính là sự quyết liệt, dữ dội mà ít con người nơi đâu có được.
Hải Phòng nằm ở ven biển, nhưng bản tính con người Hải Phòng không hoàn toàn giống bản tính của những người chài lưới. Bởi vì, trong lịch sử dân tộc, đất Cảng là một trong số ít những nơi có thành thị sớm nhất. Do đó, ngay từ khi đại đa số người dân nước ta còn là những người nông dân quen sống trong lũy tre làng thì người Hải Phòng đã trở thành những thị dân ven biển, với những ứng xử mang tính “hoa tiêu”, đã biết cò mồi, mối manh, buôn bán, ….thậm chí cướp giật, móc túi để kiếm tiền.
Cùng quan điểm với nhà văn Lê Lựu, nhà báo Phạm Thế Khoa (Báo An ninh Hải Phòng) trong bài viết “Thử nhận diện tính cách người Hải Phòng” đưa ra một lý giải sâu sắc hơn về điều này: Từ sau chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng (938) đến thời Pháp thuộc, Hải Phòng đã đón nhận nhiều đợt di cư lớn do thiên tai hoặc những biến cố xã hội. Vì thế, người Hải Phòng có nhiều giai tầng, quê quán, ngành nghề, …khác nhau, do đó tính cách có phần pha trộn.
Tính cách đặc biệt của người Hải Phòng
Ngoài sự dũng hãn, thì người Hải Phòng cũng rất manh động, thích nổi loạn. Theo một số tài liệu của Hội Khoa học – Lịch sử Hải Phòng mà ông Ngô Đăng Lợi cung cấp thì: trong hàng trăm năm lịch sử các nhà sử học, nhà dư địa chí đều ghi chép rằng, con dân 7 huyện Nghi Dương (Kiến Thụy, Đồ Sơn), An Dương (nội thành Hải Phòng nay), An Lão, Giáp Sơn, Đông Triều, Thủy Đường (Thủy Nguyên), …đều có bản tính hung hãn, thô kệch. Đây là trung tâm nảy nở nhiều cuộc khởi nghĩa, bạo loạn chống đối triều đình đương thời.
Hải Phòng từ xưa vốn cũng là một mảnh đất không ham hố nhiều trong chuyện học hành thi cử như những tỉnh ven biển khác, cho nên trong vòng 250 năm từ thời Lê- Trịnh đến Nguyễn, vẻn vẹn chỉ có 5 người đỗ tiến sĩ. Vì thế, đối với mảnh đất dân dễ làm liều, dễ nổi loạn như Hải Phòng thì các triều đại phong kiến lẫn thực dân Pháp sau này đều e ngại trong việc chọn lựa quan cai trị.
Tất cả những điều ấy đã làm bức chân dung về người Hải Phòng có phần tối màu trong mắt mọi người. Nhà xã hội học Trịnh Hoà Bình (Giám đốc trung tâm Dư luận xã hội, viện Xã hội học) cho rằng: Tính cách của người Hải Phòng là tính cách đặc biệt. Dù là một người dân bình thường, hay một tên giang hồ cộm cán đều có những điểm gặp nhau trong bản chất. Đó là sự bạo liệt, dữ dằn. Do đặc trưng sông nước, sình lẫy, ven biển nên người Hải Phòng mang đậm tính thảo khấu, giang hồ.
Những tên thảo khấu hiện đại có thể chỉ mặt, gọi tên là Lâm Già, Cu Nên, Dung Hà. Họ không phải là những đại diện tiêu biểu cho tính cách người Hải Phòng. Nhưng ở họ có cả sự hiệp nghĩa, dũng hãn của người quân tử trong hành động chăm lo đời sống cho đàn em mình, dang tay giúp đỡ những đàn em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Nhưng cũng chính họ lại thích chống lại những quy tắc, chuẩn mực xã hội chung, để lập ra cho mình một thế giới ngầm, với luật pháp riêng, sẵn sàng nổ súng giết người khi cảm thấy cần thiết.
Tôi đã từng rất tò mò về chuyện, trong những năm tháng cả 3 nhóm giang hồ đất Cảng hoạt động rầm rộ nhất, người Hải Phòng đã phải sống trong cảm giác sợ sệt như thế nào? Nhà báo Đỗ Thế Khoa (sinh ra, lớn lên ở Hải phòng trong giai đoạn này) nói rằng: Sự hoang mang, lo lắng của người Hải Phòng đương nhiên là có, nhưng nó không nghiêm trọng như nhiều người nghĩ. Bởi vì, trong trường hợp xảy ra chuyện cướp bóc đến nhà, thì có lẽ bất kì người Hải Phòng nào có súng trong nhà cũng sẽ bắn trả mà không phân vân, do dự.
Như vậy, có thể thấy bản chất giang hồ Hải Phòng không đại diện cho tính cách con người Hải Phòng. Việc giang hồ đất Cảng được sinh ra, nuôi dưỡng và đào luyện ở Hải Phòng chỉ đúng với 1 bộ phận. Đó là kết quả của tính cách dũng hãn dưới sự tác động của nhiều yếu tố ngoại cảnh mà thành.

0 comments:

Post a Comment

 
Top