Đặc sản thịt chuột đồng của Tú Đôi - Ảnh: VA |
Ăn thịt rắn lấy oai đi bắt chuột đồng
Và thế là vụ lúa mùa năm nay tôi lại về nơi nổi tiếng
với câu ca truyền miệng “Kiến Quốc anh hùng nuôi chuột đỏ, khoai lang
bóc vỏ nhắm với chuột con”. Giễu thế nhưng khi nói về thịt chuột, bất cứ
người làng Tú nào cũng không né tránh mà còn rạng rỡ tự hào. Đáng tự
hào quá đi chứ khi mà trên con đường liên xã vòng vèo khấp khểnh về
làng, lúc nào cũng có những chiếc xe hơi sang trọng của các “đại gia”,
tấp nập ra vào để thưởng thức biệt tửu.
Vì nhỡ buổi nên anh Cảnh không kịp chuẩn bị món chuột luộc, mới lôi
tôi ra quán rắn, anh nói đùa: “Chơi rượu rắn vào trước rồi đi bắt chuột
nó mới máu”. Quán này có tên khá mỹ miều là Quỳnh Nga, nhưng anh chủ tên
Điến có nghề bắt rắn gia truyền, nên gọi mộc mạc theo cách người quê là
“quán Điến”. 11h trưa quán đã chật kín khách, khoảng hơn chục chiếc xe ô
tô đỗ nối đuôi nhau. Vì chuẩn bị đi bắt chuột nên cả tôi và anh Cảnh
đều ăn mặc lếch thếch đúng mã tri điền, nhưng đã vào quán đương nhiên là
thượng khách. Bởi người làng Tú còn nghèo, đâu phải ai cũng đủ khả năng
đem tiền trăm bạc triệu vào nướng ở những chốn này!
Cắt tiết rắn ở quán Quỳnh Nga - Ảnh: LMT
“Quán Điến” có mấy nhân viên “choai choai” nhưng
thuộc bài tiếp khách đến nể. Đầu tiên một cậu bé dẫn khách đi thăm
chuồng rắn, hàng chục con ráo đang cuộn mình lè lưỡi, ngoác những chiếc
răng lởm chởm trong khoang miệng đỏ. Yếu vía nhìn đã ghê, vậy mà mấy gã
đầu bếp chẳng cần găng cần kẹp, thò tay thoăn thoắt lôi từng con ra,
người giữ, người cắt tiết, móc ngay lập tức quả tim bằng hạt lạc giãy
đành đạch trên đĩa, đem bày chứng minh “hàng xịn” cho khách.
Chỉ có một đôi rắn, vậy mà làm được đủ các món, rán
lừng sả ớt, rút xương xé phay, xào lăn lá hành, ướp tiêu cán chả, hầm xả
tiềm thuốc Bắc, da xương chiên ròn… cuối cùng là món cháo rắn đậu xanh.
Nhưng ấn tượng nhất là hai loại rượu tiết và mật, thả thêm quả tim còn
nguây nguẩy vào, uống đến đâu cảm giác râm ran lan toả đến đấy. Ở mâm
bên cạnh, một vị khách tên là Tiệp phừng phừng khoa tay quả quyết: “Từ
ngày có quán rắn này, bệnh của tôi chạy đi đâu hết, nhất là mỏi lưng
chồn gối gần như triệt tiêu”.
Trong y học cổ truyền, hiệu quả chữa bệnh của rắn đã
được công nhận từ lâu, nọc rắn rất công dụng đối với bệnh tim, thịt rắn
(nhục xà) vào kinh can có tác dụng khử phong, trừ thấp và chữa nhiều
bệnh khác. Còn rượu rắn nghe nói đặc biệt tác hiệu cho đàn ông bị “mỏi
lưng chồn gối” như anh Tiệp đã khẳng định ở trên. Nhưng hiện nay đa số
các loại rắn “thuốc” như hổ mang chúa, cạp nong, ráo trâu… đều liệt vào
danh mục động vật hoang dã cấm hoặc hạn chế săn bắt. Anh Cảnh cho biết,
rắn ở Tú Đôi hầu hết là rắn nuôi nhập ở nơi khác về. Tuy nhiên làng Tú
vẫn được biết đến với món đặc sản này, thật đúng theo nghĩa “hữu xạ tự
nhiên hương”.
Sắm vai thợ săn… chuột
Sau bữa tiệc rắn tưng bừng, hai anh em vác thuổng, “sồng”, lưới… ra
đồng, đúng hơn là đi “mót” vì khu nào cũng đã bị các thợ săn chuột cày
xới chán chê rồi. Cũng như nhiều người làng Tú khác, anh Cảnh chỉ thuộc
diện “thèm thì kiếm vài con về ăn” chứ không sống bằng nghề này. Còn thợ
săn thực thụ hiện đang lang bạt ở các vùng đồng khác khắp thành phố, họ
phải đi từ sáng sớm mới kịp có chuột về bán ở chợ chiều.
Tìm hang chuột đồng - Ảnh: VA
Ở làng Tú giờ đây người làm nghề săn chuột không còn
nhiều, ấy vậy thôi nhưng vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, mỗi phiên chợ
chiều cũng tiêu thụ hàng tạ chuột luộc sẵn, chưa kể đến số lượng lớn hơn
người làng đã đặt mua ngay từ khi mới bắc nồi. Anh Cảnh cho biết năm
nay lúa vụ mùa thất thu nên sản lượng chuột không được nhiều, vì thế giá
cũng đắt hơn năm trước, ngày bình thường 60.000, ngày cao điểm như thứ
bảy, chủ nhật lên tới 70-80.000/ 1kg.
Thịt chuột làm sạch, chuẩn bị luộc
Trở lại chuyến đi săn của hai anh em, lùng sục mãi đến cuối buổi
chiều mới bắt được 7 con, ước lượng cũng được khoảng gần hai cân. Vì sợ
đánh mất dư âm của thịt rắn nên anh Cảnh quyết định không ăn mà làm sẵn
cho tôi đem về “làm quà”. Nhoay nhoáy một lúc, 7 chú chuột cũng được
luộc xong. Anh Cảnh kê thớt chặt đôm đốp rồi chọn những miếng vuông vức
xếp vào lá chuối, gói lại cho tôi. Còn đầu, chân, đuôi anh để lại, anh
bảo người sành dùng mấy thứ ấy mới “đã”, cũng như ăn cổ cánh gà hay thủ
lợn vậy.
0 comments:
Post a Comment