THIÊN ĐƯỜNG THỜI TRANG NỮ HẢI PHÒNG

Theo quan niệm của người phương Đông, quạ là một loài vật luôn mang đến sự đen đủi, chết chóc. Quạ đậu ở đâu ở đó sẽ có điều không may xảy ra. Vì thế người ta luôn tránh xa loài vật không hay ho này. Ấy vậy mà ở Hải Phòng, có một người đàn ông dị thường lại cất công đi lùng sục mua cho bằng được đàn quạ về dạy nói, dạy hát, thậm chí hát Quốc ca, nói tiếng Anh như gió thì quả thật là hiếm có.
ki-la-nhung-chu-qua-biet-noi-tieng-anh-cua-dai-gia-dat-cang
Những chú quạ kì lạ
Từ trước đến nay, theo quan niệm dân gian, quạ là một loài vật mang đến sự đen đủi và chết chóc. Hơn thế nữa, theo một số nhà nghiên cứu, quạ còn là loài vật có tính xấu thù dai nhớ lâu. Nhưng cũng vì cái sự nhớ lâu ấy mà quạ cũng có thể học nói tiếng người giống như sáo hay vẹt. Tuy nhiên, vì cái quan niệm cũ về sự đen đủi ấy mà chẳng có ai dở hơi lại đi nuôi quạ bao giờ, chứ chưa nói gì đến việc bỏ công sức ra nuôi quạ và dạy cho chúng nói cả. Vì thế, sau khi biết rằng có một “đại gia” đất Cảng đã bỏ công sức để chăm nuôi và huấn luyện thành công ba chú quạ biết nói, biết hát, chúng tôi đã tìm về tận nơi để được chứng kiến những chú quạ kì lạ này.
Chủ nhân của ba chú quạ biết nói, ông Mai Quang Tuấn (phường Đông Hải, Hải An, Hải Phòng) với biệt danh Tuấn “trắng”, chuyên kinh doanh nước tương cho biết: “Chúng ta vẫn coi loài quạ này đại diện cho sự không may mắn, chết chóc nhưng người dân Do Thái rất quý loài quạ này. Họ coi quạ là con của trời nên tôi đặt tên con đầu tiên là “Thiên”. “Thiên” đã được năm tuổi, là chú quạ nói sõi nhất trong ba con quạ mà tôi mua về để huấn luyện”.
Theo như lời kể, sau khi có “Thiên”, ông Tuấn tình cờ có thêm một con nữa và đặt tên là “Địa” với ý nghĩa lộc tài của đất và phù hợp với chú quạ trước. Sau này, ông mua thêm chú quạ thứ ba đặt tên là “Nhân” và ông tin rằng ba yếu tố “Thiên”, “Địa”, “Nhân” đã giúp công ty của mình phát triển thành công.
Là một người cũng có đam mê với động vật nhưng với loài quạ thì ông Tuấn chưa hề có kinh nghiệm gì, cũng vì thế mà sau một thời gian dài nuôi và tiếp xúc, ông bảo rằng mình hiểu ra được rất nhiều điều thú vị về loài quạ này. Sau một thời gian dài huấn luyện, ông coi chúng như những người bạn thân thiết của mình, để ông trò chuyện mỗi khi ở nhà một mình. Trước đó, ngoài quạ ra, ông Tuấn còn nuôi nhiều loại chim khác nhau nhưng cho đến bây giờ thì ba con quạ “Thiên”, “Địa”, “Nhân” này lại chiếm cảm tình đặc biệt của ông. “Ban đầu khi tôi đưa quạ về nuôi, các loài chim khác nuôi trong nhà thấy chúng rất sợ, bay dáo dác. Nhưng chỉ vài ngày sau, mọi chuyện dần trở lại thường ngày. Giờ thì như bạn thấy, chúng sinh sống hòa bình với nhau”, ông Tuấn cho biết.
ki-la-nhung-chu-qua-biet-noi-tieng-anh-cua-dai-gia-dat-cang1
Con “Địa” này đang được ông Tuấn dạy nói.
Sau khi giới thiệu sơ qua về những con quạ của mình, ông Tuấn quay vào “Thiên” để bảo nó nói tiếng người cho chúng tôi nghe. Ông vừa gọi, “Thiên” tức thời quay lại nhìn chủ. Đứng bên cạnh, chúng tôi dường như chẳng thể tin vào tai mình, khi nghe “Thiên” cất lên tiếng nói: “Có khách, hê lô, anh ơi, Tuấn ơi ….”. Sau đó, vừa nghe chủ bảo cười, nó liền nghiêng đầu và kêu “cúc, cúc…”. Nhìn thấy biểu lộ sửng sốt của chúng tôi, anh Tuấn cười xòa bảo: “Nó còn nhiều tài lẻ. Thông thường nếu không có khách lạ, nó còn véo von hát Quốc ca nữa”.
Bí quyết dạy quạ nói
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được chia sẻ về bí quyết dạy quạ nói, ông Tuấn chỉ cười và nói: “Bí quyết huấn luyện quạ không có gì đặc biệt. Ở nước ngoài, người ta đã khám phá ra khả năng học và bắt chước của loài chim thông minh này từ rất lâu. Trước kia, tôi từng đọc một cuốn sách nghiên cứu về sinh học của một tác giả người Đức. Ông này rất giỏi về ngỗng, chó và quạ. Trong phần biểu lộ về tập tính của quạ, nhà sinh học này khẳng định chúng là con vật thông minh nhất họ nhà chim. Việc quạ biết nói cũng được đề cập khá kĩ trong cuốn sách này. Chính từ cơ duyên tiếp cận tài liệu đó, tôi mới cân nhắc rồi quyết định nhờ người mua chúng về huấn luyện”.
Trong khoảng thời gian đầu, ông Tuấn cũng gặp rất nhiều khó khăn vì ý tưởng lạ lùng này. Theo quan niệm dân gian Việt Nam, quạ là loài chim mang đến sự xui xẻo. Gia đình, người nhà khi biết chuyện ông Tuấn mua quạ về nuôi đều cực lực phản đối. Nhưng với niềm ham mê, dần dà, ông Tuấn cũng thuyết phục được mọi người. Ông Tuấn chia sẻ: “Có một điều khá đặc biệt là từ khi nuôi quạ, công việc kinh doanh của tôi ngày một tấn tới. Thấy vậy, nên vợ con cũng không thắc mắc gì nữa”.
Theo ông Tuấn, dù quạ là loài thông minh nhưng để huấn luyện cho chúng nói được không phải là chuyện dễ dàng. Để chúng nói chuyện với con người, thời kì đầu vào mỗi bữa ăn, ông chỉ bắt đầu dạy chúng một vài từ đơn giản. “Hằng ngày, mỗi khi cho quạ ăn, tôi lại chuyện trò với chúng. Mình muốn dạy chúng câu gì, thì phải nhắc đi nhắc lại nếu không sẽ không được ăn. Quạ là loài chim rất thông minh, khi chúng cần ăn, chúng hướng về chủ và chóng vánh nói được những gì được học. Tuy nhiên, khả năng đặc biệt của quạ không phải chỉ dừng lại ở việc biết nói tiếng người”, ông Tuấn nói.
Theo ông chủ kinh doanh nước tương lừng danh đất Cảng này, giọng nói của loài quạ cũng có sự đổi thay âm vực, lúc lên cao, lúc xuống thấp, lúc trầm lúc bổng hệt như tiếng người vậy. Qua quá trình huấn luyện cẩn thận, quạ có thể bắt chước được động tác của con người nữa.
Ngoài yếu tố thông minh, quạ còn có khả năng biểu đạt cảm xúc rất tốt, chúng cũng có sự bày tỏ tình cảm yêu ghét rõ rệt. Theo như lời kể của “đại gia” đất Cảng này thì một lần ông và con gái vờ gây gổ. Đang đậu trên cành cây, “Thiên” lập tức bay xuống và mổ vào tay như một cách biểu đạt sự phản đối. Trong quá trình nuôi dưỡng và huấn luyện quạ, ông Tuấn cũng phải chiều theo những biểu lộ về tính cách tương đối phức tạp của chúng. “Có những điều rất nhỏ nhặt, nhưng nếu không chấp thuận, quạ có thể bỏ ăn, từ chối tiếp thu sự bảo ban của người huấn luyện.
Tôi còn nhớ có lần tôi ép “Thiên” chuyển từ chuồng nhỏ sang chuồng lớn hơn. Thế nhưng, vì lạ hơi, nó nhất quyết không chịu “chuyển nhà”. Bực mình, tôi lấy tay túm cổ nhấc bổng quạ sang rồi chốt cửa chuồng lại. Chỉ thế thôi mà hai, ba ngày liên tục sau đó, hễ tôi đưa tay vào cho ăn là nó mổ. Hơn thế, từ sau lần đó, “Thiên” cũng tỏ ra “bất cần” hơn, ít chịu phục tùng khi tôi huấn luyện.
Lúc đầu, tôi cũng chưa hiểu hết. Mãi đến khi thấy “Thiên” chợt xa lánh mình, tôi mới mới giật mình suy nghĩ lại và nhận ra những sai lầm trong cách chung sống với chúng. Sau này, tôi đọc sách và biết loài quạ có trí nhớ rất lâu và bản chất thù dai. Khi không chấp thuận, không thấy an toàn về ai đó, chúng sẽ nhớ rất lâu. Hành động túm cổ của tôi đã khiến nó nghĩ chủ nhân đang áp bức. Nó nghĩ là mình không thân thiện nữa. Đến nay, hằng ngày tôi cho ăn, nó vẫn chào hỏi bình thường. Nhưng hễ đưa tay vào bắt, “Thiên” liền mổ ngay” – ông Tuấn kể.
Ba con quạ biết nói này của ông Tuấn đã được nhiều người hỏi mua lại với giá cao nhưng ông không bán. Bởi lẽ, với vị đại gia này việc nuôi quạ không phải để kinh doanh mà chỉ là có thêm “bạn”. Hơn nữa, theo những kinh nghiệm nuôi quạ của mình, ông Tuấn cho biết, mua quạ khi đã trưởng thành, người chủ mới dù khổ công huấn luyện đến đâu cũng chẳng thể khiến chúng nói trở lại. Bởi quạ là loài chim rất thông minh và nhớ rất dai, chúng sẽ không chịu phục tùng người lạ.
ki-la-nhung-chu-qua-biet-noi-tieng-anh-cua-dai-gia-dat-cang2
Con quạ tên “Thiên” biết hát cả Quốc ca.
Nói về nguồn quạ giống để huấn luyện, ông chủ doanh nghiệp không ngại tiết lộ thêm: “Trước đây, quạ muốn mua giống có khi phải nhờ bạn bè xách tay từ nước ngoài về. Nhưng thời điểm này, nếu ai không ngại quan niệm xui xẻo và thực thụ muốn nuôi quạ làm cảnh, tôi sẽ chỉ ngay ra chợ Hàng (Hải Phòng). Ở đó, các loại chim, thú cảnh, trong đó có quạ, đều rất sẵn”. Nhưng có một điều khiến ông Tuấn đến giờ vẫn chưa lý giải được là rất nhiều người cũng mua quạ về nuôi, huấn luyện song không đạt kết quả. Một số người tâm huyết, thậm chí đã đến tận nhà “gõ cửa” nhờ ông chỉ cho “bí kíp” dạy quạ chuyện trò. Tuy nhiên, sau một thời gian, quạ vẫn không chịu nói.
Có lẽ, ở vị “đại gia” này có một sự kiên trì và khả năng thuần phục được các loài động vật mà ít ai có. Ngoài quạ ra, ông Tuấn còn nổi tiếng cả trong, ngoài nước với thú chơi chó “chọi” Pit-bull. Nhiều người còn nói đùa rằng, để có được cơ nghiệp ngày hôm nay, ông Tuấn nhờ rất nhiều vào… chó. Bởi lẽ ông cũng đã có một thời buôn chó Nhật và thu được lợi nhuận khổng lồ để trở thành một “đại gia”. Giờ đây, với niềm đam mê của mình, ông Mai Quang Tuấn vẫn tiếp tục nuôi những con vật kì lạ ấy, vừa để kinh doanh và cũng để thể hiện sở thích khác người của mình

0 comments:

Post a Comment

 
Top