ĐB Thái Thanh Hùng hỏi: "Tình hình dạy
thêm học thêm trên địa bàn có quản lý được không?". Ông Lê Trung Chinh,
Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, Sở và phòng GD-ĐT các quận, huyện đã mở
nhiều đợt kiểm tra và đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện trong đó có
Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu chấn chỉnh do cấp phép dạy thêm tràn lan, trá
hình.
Ông
Thanh nhắc nhở ngay: "Đề nghị trả lời thẳng vào câu hỏi, câu hỏi rất đơn
giản. Có quản được không. Quản lý được thì nói được, quản lý không cứ
nói không. Không nên vòng vo, né tránh. Không nên kể lể chuyện kiểm tra
chỗ này, chỗ kia...".
"À không, tui không hỏi thông tư”
Khi
ông Chinh dẫn Thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT cho rằng bộ không cấm dạy
thêm, học thêm, ông Thanh liền bẻ: "Ông cứ nói chuyện ở Đà Nẵng, đại
biểu HĐND TP.Đà Nẵng đang hỏi vấn đề ở Đà Nẵng, không hỏi chuyện cả
nước. Ông có phải Bộ trưởng GD-ĐT đâu mà trả lời rộng ra cả nước. Ông
đang làm Giám đốc Sở GD-ĐT". Rồi ông truy tiếp: "Hiện nay Sở khẳng định
tình trạng dạy thêm học thêm coi như không có vấn đề gì, quản lý được,
đúng không?".
Ông
Chinh nói, chưa thể chấn chỉnh tuyệt đối. Vấn đề quản lý dạy thêm học
thêm là rất nhạy cảm. "Nhạy cảm như thế nào, có gì mà nhạy cảm", ông
Thanh hỏi ngay. "Chẳng hạn như các trung tâm lưu trú. Theo quy định của
Thông tư 17/2012 thì không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Tuy
nhiên các trung tâm này giữ học sinh từ 12 - 17 giờ chiều. Nếu chỉ cho
các em vui chơi không thì các cơ sở này rất khó khăn. Cho nên có trường
hợp giáo viên cung cấp cho các em một vài tiết trong bộ môn toán, môn
văn...".
Ông
Thanh chuyển sang nội dung khác: "Trên địa bàn còn có tình trạng giáo
viên dạy thêm cho chính học sinh mà mình đứng lớp?”. Ông Chinh lại viện
dẫn Thông tư 17/2012, nhưng bị ông Thanh chặn ngang: "À không, tui không
hỏi Thông tư 17/2012. Tui đang hỏi, trên địa bàn thành phố có hay không
chuyện giáo viên lên lớp dạy chính khóa thì không thể hiện hết trách
nhiệm, không truyền đạt kiến thức cho học sinh mà để dành, giữ miếng sau
đó chỉ giảng cho học sinh đi học thêm. Có trường hợp giáo viên o ép học
sinh, buộc phải đi học thêm".
Ông
Chinh thừa nhận, trường hợp giáo viên o ép để dạy thêm là có. Ông Thanh
hỏi ngay: "Vậy thì xử lý sao. Kỷ luật được ai chưa?”. “Sở đã xử lý xử
phạt hành chính giáo viên dạy thêm không có giấy phép, dạy không đúng
đối tượng. Vì Thông tư 17/2012 của Bộ không cấm dạy thêm ở bậc tiểu học,
ở lớp mình dạy, nên không có cơ sở để xử phạt đối với các giáo viên
này", ông Chinh giải thích.
"Thế ở bậc tiểu học, Thông tư 17/2012 có
cho phép dạy thêm không?", ông Thanh hỏi tới. "Thông tư 17/2012 không
cho phép dạy thêm, mà chỉ cho phép các trường tiểu học dạy năng khiếu",
ông Chinh trả lời. "Thế ở Đà Nẵng, bậc tiểu học có tình trạng dạy thêm
không?". "Dạy thêm vẫn còn...", ông Chinh trả lời. "Vậy xử lý sao?”.
"Sắp tới đây UBND TP sẽ phân cấp quản lý cho các quận, huyện, quy trách
nhiệm cho từng cấp, từng ngành chịu trách nhiệm trong vấn đề này", ông
Chinh nói.
Ông Thanh chỉ đạo: "Phải bỏ lối dạy trước
chương trình, mớm bài cho học sinh đi học thêm, khiến học sinh không
còn động não. Đến khi đi thi đại học rớt bụp bụp".
Người dân cứ yên tâm mà ăn
Nhiều ý kiến của các ĐB chất vấn Sở Y tế
Đà Nẵng về vấn đề an toàn thực phẩm sau khi có các vụ ngộ độc tập thể
xảy ra trong năm nay.
Tuy nhiên ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc
Sở Y tế trả lời, Sở đã kiểm tra kỹ lưỡng và đến nay chưa phát hiện thực
phẩm, hải sản bán trên thị trường có độc tố nguy hiểm cho con người.
"Chúng tôi không phát hiện việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không
phát hiện chất Trifluralin trong cá điêu hồng, chất Formaldehyde trong
rau quả, sinh vật lạ trong sữa. Đặc biệt chưa phát hiện trường hợp gà
được nhập lậu từ Trung Quốc bày bán tại Đà Nẵng", ông Chiến khẳng định.
Nghe
vậy, ông Thanh kết luận luôn: "Người dân cứ yên tâm mà ăn, khỏi phải lo.
Nếu có gì xảy ra thì Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm".
0 comments:
Post a Comment