Vẽ cái gì và cởi đến đâu?
Ở Việt Nam, họa sĩ Phương Vũ Mạnh có lẽ là một trong những người thực hành body painting
sớm nhất khi năm 1996, anh đã bắt đầu cầm cọ vẽ lên cơ thể một người
bạn trong giới nghệ thuật. Sau hơn 10 năm âm thầm dùng “toan” da người
để sáng tác, họa sĩ Phương Vũ Mạnh kể câu chuyện đầy bi hài rằng, lần đầu tiên anh đưa body painting ra "ánh sáng" lại là cùng một nhóm nghệ sĩ vẽ lên cơ thể con… trâu.
Lần thứ 2 anh được trình diện body painting
một cách công khai, là tại lễ hội đền Lảnh Giang. Lần này anh vẽ lên cơ
thể đàn ông nhưng họ đều đóng khố như thổ dân để cho hợp với tính chất
lễ hội. Và cũng do đây là lễ hội do cơ quan văn hóa tổ chức nên body painting của anh mới được công khai cho công chúng biết tới rộng rãi đến vậy.
Đến tháng 3/2010, trong triển lãm Cuộc sống ở Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace tại Hà Nội Phương Vũ Mạnh
"cả gan" dùng 3 người mẫu nữ. Tuy nhiên, tại triển lãm lần này, cơ
quan quản lý văn hóa không cho phép người mẫu khỏa thân hoàn toàn, cũng
không cho mặc đồ lót kiểu bikini mà phải mặc đồ lót quây.
Phương Vũ Mạnh với tác phẩm của mình.
|
Họa sĩ Phương Vũ Mạnh nói anh đưa ra các ví dụ như vậy để thấy rằng body painting được đưa đến rộng rãi với công chúng. Và để mọi người không nghĩ rằng body painting
là dung tục thì cần phải vượt qua nhiều rào cản và có vô vàn những khó
khăn. Vẽ cái gì và cởi đến đâu là một câu chuyện luôn gây tranh cãi.
Khó khăn tìm người mẫu chịu "cởi"
Theo họa sĩ Phương Vũ Mạnh, ở Việt Nam, rào cản lớn nhất trong việc du nhập body painting
là văn hóa Á Đông. Cho nên, việc tìm người mẫu để “vẽ vời” là rất khó.
Thường các họa sĩ phải đưa ảnh chụp tác phẩm của mình trước đó để thuyết
phục các người mẫu.
Các họa sĩ thường thích vẽ
trên cơ thể người mẫu nude 100% nhưng nhiều cô e ngại, vẫn yêu cầu phải
mặc đồ lót khi vẽ. Như thế, quần áo và màu vẽ nhiều khi không ăn nhập
với nhau, giống như khi đang vẽ trên "toan" giấy thủng, ức chế và mất
cảm xúc.
Tìm được người mẫu rồi có
khi chính bản thân họa sĩ lại không được vẽ bởi gặp phải sự phản đối từ
gia đình, người yêu. Họ không muốn người yêu của mình “sờ mó” lên hàng
trăm phụ nữ khác nhau. Họa sĩ vẽ body painting thường gặp ánh mắt dị nghị của những người xung quanh. Hơn nữa, họa sĩ vẽ body painting phải vượt qua được chính mình, chính cái bản năng của con người trước cái đẹp. Người họa sĩ vẽ body painting
phải vô cùng tập trung, bởi khác với chất liệu khác, “toan” trên da
người không cho phép họa sĩ vẽ phác thảo, người họa sĩ phải vẽ nhanh hết
khả năng có thể nếu không người mẫu sẽ mệt mỏi, cựa quậy làm mất vẻ đẹp
của tác phẩm.
Bắt người mẫu mặc quần áo
Cái khó của body painting
là không thể bán tác phẩm bằng ảnh chụp nhưng lại không có một cuộc
triển lãm quy mô nào để bán vé lấy tiền. Việc tìm kiếm chất liệu, cách
pha chế màu vẽ để tồn tại được lâu trên cơ thể người mẫu đòi hỏi người
họa sĩ phải bỏ thời gian và công sức. Một tác phẩm body painting
có khi phải vẽ mất vài tiếng đồng hồ nhưng nó chỉ tồn tại nhiều lắm 2
ngày. Một họa sĩ một ngày cũng chỉ vẽ cùng lắm 2 tới 3 tác phẩm. Để mở
một cuộc triển lãm như những triển lãm tranh khác thì cần nhiều tác phẩm
và đương nhiên cần có sự góp sức của nhiều họa sĩ.
Một tác phẩm của Phương Vũ Mạnh. |
Nhưng đa số họa sĩ vẫn còn không mặn mà với loại hình này bởi theo Phương Vũ Mạnh
“có thực mới vực được đạo”, nhiều người thà vẽ một bức tranh gửi
gallery chờ bán được lấy tiền còn hơn vẽ vời trên cơ thể cho người xem
xong vài tiếng là bỏ. Ngoài ra, cơ quan quản lý vẫn còn chưa đủ “thoáng”
để chấp nhận cái mới, cái nhạy cảm này thì lấy đâu ra giấy phép để
trình diễn. Mà nghệ thuật body painting là vẽ trên cơ thể
người, trên da thịt con người chứ không phải trên quần áo. Cơ quan quản
lý bắt mặc quần áo để vẽ nhiều khi làm hạn chế sự sáng tạo của người họa
sĩ có khi là “tụt hứng”.
Họa sĩ Phương vũ Mạnh cho biết, anh chẳng kiếm được bao nhiêu từ việc vẽ body painting,
anh vẽ nó như một cuộc dạo chơi, thỏa sức sáng tạo, thế giới có mình
cũng có cho “bằng chị bằng em” chứ không muốn đi sâu. Vì theo anh, muốn
đi sâu phải đầu tư nhiều công sức và thời gian, trong khi lại chẳng có
tiền để phát triển.
Họa sĩ Đào Anh Khánh cũng là người đôi lần sử dụng nghệ thuật body painting trong triển lãm của mình nhưng theo anh, nó chỉ như một sự nhấn nhá để gây ấn tượng cho người xem chứ không lấy body painting làm chủ đạo.
Anh bảo, anh từng được xem những tác phẩm của họa sĩ Phương Vũ Mạnh
nhưng cũng chỉ vài tác phẩm đạt đến trình độ nghệ thuật, còn lại nhiều
tác phẩm, họa sĩ vẫn chưa đầu tư thời gian, chất xám của mình vào đó.
Chừng nào vẫn còn sự dung tục trong tác phẩm, chừng nào một tác phẩm mà cái đẹp chưa tới thì chừng đó, công chúng vẫn cảm thấy body painting rất mới mẻ với văn hóa Á Đông.
"Đây là môn nghệ thuật
không chấp nhận việc phổ biến ra công chúng bằng các phiên bản khác như
chụp hình, quay video clip, thậm chí dựng thành phim, mà nhất thiết
người xem phải được tiếp cận trực tiếp với tác phẩm là người mẫu thực và
những nét vẽ trực tiếp trên cơ thể họ. Body painting cần có
một không gian trình diễn riêng với đầy đủ các nguyên tắc, quy định cho
các chủ thể tham gia. Muốn vậy, từ bản thân nghệ sĩ phải đầu tư chất xám
vào tác phẩm của mình, một tác phẩm đẹp không có lý do gì mà cơ quan
chức năng lại từ chối phổ cập tới công chúng".
Từ nhiều cái khó bó cái khôn, họa sĩ chỉ coi body painting như cuộc dạo chơi, nên body painting
Việt sẽ đi đến đâu thì ngay cả những người trong cuộc còn không đưa ra
được dự báo thì việc bộ phận lớn công chúng tiếp cận nó, có cái nhìn cởi
mở với nó còn là một con đường rất dài.
0 comments:
Post a Comment