THIÊN ĐƯỜNG THỜI TRANG NỮ HẢI PHÒNG

Phố Cát Cụt với những hàng sách cũ đã trở thành nét chấm phá riêng của Hải Phòng
Phố Cát Cụt với những hàng sách cũ đã trở thành nét chấm phá riêng của Hải Phòng
Là một trong những phố chính của Hải Phòng, cũng những góc buôn bán sầm uất, cũng lung linh ánh đèn, nhưng người ta vẫn có thể tìm được ở đây những góc nhỏ bình yên, thư thái với những quyển sách cũ. Phố Cát Cụt với tên gọi đặc biệt và những hàng sách cũ đã trở thành nét chấm phá rất riêng của Hải Phòng.
Theo bản đồ làng An Biên từ năm 1872, có 1 con đường nhỏ lấp đất phủ cát, chạy từ ven làng đến thẳng lạch Liêm Khê thì chấm dứt (cụt). Cát Cụt vì thế mà trở thành tên đường và được giữ nguyên từ bấy đến bây giờ, luôn được người dân thành phố gọi một cách thương mến, cho dù phố đã được đặt nhiều tên khác nhau. Ban đầu người Pháp đặt tên phố là Rue Strabourg. Sau Cách mạng tháng Tám, phố được đổi tên là Đoàn Thị Điểm. Năm 1954 phố được đổi tên là Hàm Nghi.
Sau chỉ dụ ngày 1-10-1888, cùng với Hải Phòng, phố Cát Cụt được lập lên, phần lớn là nhà một tầng lợp mái ngói mũi hài Trung Hoa, cá biệt có nhà hai tầng lợp tôn, sàn trên bằng gỗ. Thời Pháp thuộc, phố có một số cơ sở hộ sinh tư nhân, có rạp hát cải lương Đại Chúng xây dựng từ những năm 1924. Bến đò Nhật Bản từ đầu phố qua sông Lấp nay không còn nữa.
20 năm trở lại đây, ngoài những cửa hàng, đại lý sơn lớn, trụ sở buôn bán sầm uất, Cát Cụt còn được người dân biết đến như một phố sách cũ của Hải Phòng. Theo lời kể lại của những người bán hàng ở phố này cho biết, ngày ấy cả phố có đến hơn chục cửa hàng bán sách cũ. Gọi là cửa hàng cho sang nhưng chỉ giản dị, khiêm nhường là những cuốn sách, báo cũ được xếp gọn gàng, ngăn nắp trên những giá gỗ cũng đã phủ lớp bụi thời gian. Sách có đủ loại: từ sách giáo khoa, sách khoa học, truyện tranh thiếu nhi, những cuốn tiểu thuyết kinh điển của cả thế giới và Việt Nam…
Những người tìm đến với sách cũ cũng đủ mọi lứa tuổi. Người già tìm lại những cuốn tiểu thuyết, truyện, thơ cách mạng, tiền chiến để thưởng thức, chiêm nghiệm lúc nhàn tản. Bạn trẻ thì tìm cho mình những cuốn truyện ngắn tình yêu, những bài học cuộc sống trong những cuốn sách đã ố vàng, quăn mép. Nhiều người trẻ lại tìm đọc những cuốn truyện cổ, truyện tranh, những mẩu truyện ngắn thời học sinh để tìm lại cho mình những khoảng trời trong sáng của tuổi hoa niên.
Cũng có rất nhiều em học sinh tìm đến đây để chọn cho mình những cuốn sách giáo khoa phù hợp với túi tiền. Dành chút thời gian trong chuỗi bộn bề cuộc sống, người ta đến đây, lục tìm từng dãy sách cũ, không phải chỉ để mua, để bán mà còn để được chìm đắm trong vô vàn  những hoài cảm buồn vui. Đặc biệt hơn, sách cũ còn là món quà gửi gắm bao yêu thương, lòng nhân ái khi được trao tặng đến với những em bé nghèo ở vùng sâu, xa, nhiều khó khăn. Vì thế tìm đến với phố sách cũ đã trở thành cái thú riêng của nhiều người ở Hải Phòng.
Một buổi sáng đến với hàng sách cũ của bà Hoa, gian hàng nhỏ bé chỉ vẻn vẹn mấy m2, đơn sơ với ít sách giáo khoa và dăm bẩy tờ báo cũ. Bà Hoa năm nay gần 70 tuổi, cặm cụi ngồi sắp xếp từng cuốn sách cũ, buộc thành từng bộ gọn gàng. Gần 20 năm gắn bó với nghề bán sách cũ, những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn trong tâm hồn của những “người muôn năm cũ”.
Với chất giọng đầy trầm lắng, bà kể lại: Khoảng 20 năm về trước, phố này bắt đầu bán sách cũ. Ngày ấy, mình còn nghèo, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, trẻ con không có đồ chơi, ti vi để xem… thì truyện, sách cũ với giá rẻ từ vài trăm đồng đến một vai nghìn đồng (chỉ bằng 1/3-1/2 của giá bìa) đã trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình. Bà còn nhớ những năm ấy vào thời điểm trước năm học, không chỉ người trong nội thành mà còn rất nhiều ông bố bà mẹ ở huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo cũng kì cạch đạp xe đến đây để chọn mua cho con mình những quyển sách giáo khoa cũ. Ngày ấy, cửa hàng sách nào ở phố này cũng nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Trung bình mỗi ngày bà bán gần trăm cuốn sách. 6 năm nay thì lại khác.
Tốc độ đô thị hóa của thành phố đã diễn ra nhanh chóng, cuộc sống no ấm, đủ đầy với nhiều thú tiêu khiển, vui chơi hơn để lựa chọn. Sách cũ đã phần nào bị quên lãng. Cả nửa tháng nay bà chỉ bán duy nhất được 1 cuốn sách. Bây giờ người đến với sách cũ chủ yếu là học sinh và người già có niềm yêu thích đọc sách, báo. Chỉ với vài nghìn đồng dành dụm họ tìm mua cho mình 1 cuốn sách cũ hay 1 tờ báo theo sở thích để thưởng thức.
,,,
,,,
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề bán sách cũ có thâm niên ở phố Cát Cụt, anh Phùng Xuân Hoàng (30 tuổi) đã phụ giúp mẹ bán hàng cũng gần 20 năm nay. Anh chia sẻ: Thời gian trôi qua cũng đã lâu, tôi cũng không nhớ rõ nhưng từ khi còn nho, khoảng 11-12 tuổi, gia đình tôi đã có nghề bán sách cũ. Ngày đó, cứ mỗi lần ngồi trông cửa hàng cho mẹ, tôi lại có cơ hội nghiến ngấu những quyển truyện, cuốn sách. Ngày 1, ngày 2 đã giúp anh có cơ hội mở mang kiến thức, hiểu biết hơn. Gần 20 năm gắn bó với cửa hàng của gia đình, đã có hàng nghìn, hàng vạn quyển sách được bày bán, anh không thể nhớ hết, nhưng cũng có cuốn anh đã “nằm lòng”.
Và cũng nhờ cửa hàng sách cũ mà gia đình anh đã đi qua được những năm tháng khó khăn. Bây giờ cuộc sống đủ đầy với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, người ta có thể tìm đọc mọi thứ qua các trang mạng, lại có nhiều trò chơi giải trí hấp dẫn nên người ta ít mua sách cũ. Nhưng bên cạnh đó có một số người vẫn yêu những cuốn sách cũ, tìm đến với sách cũ như một thú vui giữa cuộc sống bộn bề.
Sách cũ cũng có một đời sống riêng, khi là khúc vĩ thanh, cũng có lúc chỉ là một nốt trầm xao xuyến. Nhiều cuốn sách có giá trị đến nay không được tái bản nữa. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, đặc biệt trong cuộc sống hiện nay, niềm say mê với sách cũ của nhiều bạn trẻ Hải Phòng vẫn là nét đẹp trong văn hóa đọc của người dân thành phố.

0 comments:

Post a Comment

 
Top