THIÊN ĐƯỜNG THỜI TRANG NỮ HẢI PHÒNG

Đầu năm đi lễ cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân thành phố Cảng mỗi dịp Tết đến, xuân sang. Không ít gia đình đang băn khoăn cho việc lên kế hoạch du xuân cầu lộc, cầu an, cảm nhận vẻ đẹp của đình chùa vào ngày xuân.
Đền Nghè
Đền Nghè nằm ở trung tâm thành phố (thuộc phường An Biên, quận Lê Chân). Đền thờ Nữ tướng Lê Chân – vị tướng giỏi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thế kỷ I (40 -43). Trải qua quá trình tu bổ, tôn tạo, hiện nay, đền Nghè là một quần thể di tích mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ 20, bao gồm: tam quan, tòa hậu cung, bái đường, thiêu hương, giải vũ, nhà bia - nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá, sập đá, bia đá; tòa tứ phủ…
hoaphuongdo.vn dichuadaunam1
Đền Nghè điểm hành hương không nên bỏ qua trong dịp Tết
Đến thăm đền Nghè, ngoài việc tham quan quần thể kiến trúc độc đáo của đền, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm điêu khắc đá có giá trị, điển hình là khánh đá và sập đá. Khánh được làm từ một tấm đá nguyên khối dày 5cm, cao 1m, rộng 1,6m. Mặt trước khánh khắc nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt và mây bay xung quanh; mặt sau khắc hình mây bay và sóng nước. Khi gõ, tiếng khánh đá ngân vang, trong trẻo, hướng ta tới cõi tâm linh huyền ảo, linh thiêng. Sập đá đồ sộ, tạo bằng khối đá liền, chạm nổi hình chim, thú, hoa, lá rất công phu thể hiện kỹ thuật chạm khắc vô cùng tinh xảo của các nghệ nhân xưa. Ngoài ra, ở đền còn lưu giữ tấm bia đá có kích thước lớn được tạc vào thời Nguyễn, ghi tiểu sử của nữ tướng Lê Chân.

Nữ tướng Lê Chân được người Hải Phòng tôn làm Thành Hoàng của thành phố Hải Phòng hoặc chủ thần có công khai khẩn lập nên vùng đất Hải Phòng ngày nay. Vì thế, lâu nay đền Nghè trở thành điểm hành hương không thể bỏ qua đối với người dân Hải Phòng và du khách mỗi khi đến với nơi đây.

Hàng năm cứ sau thời khắc giao thừa, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ cầu mong được ban điều lành và mọi sự may mắn, vừa tưởng nhớ ơn đức bậc tiền nhân mở cõi xưa. Và nếu gia đình bạn đang muốn tìm một địa điểm vừa có thể du lịch, vừa có thể cầu lộc, cầu tài thì không nên bỏ qua chốn linh thiêng bậc nhất đất Cảng này.
Chùa Dư Hàng
Là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng từ năm 1986, chùa Dư Hàng ở địa chỉ số 121 phố Dư Hàng (quận Lê Chân). Du khách tới đây sẽ được tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa có nguồn gốc hàng nghìn năm với nhiều giá trị về kiến trúc và văn hóa gắn với truyền thống đạo Phật của người phương Đông.

Chùa Dư Hàng không chỉ là trung tâm Phật giáo của Hải Phòng mà còn là ngôi cổ tự bậc nhất Hải Phòng. Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật cổ có giá trị.
hoaphuongdo.vn dichuadaunam2
Chùa Dư Hàng
Chùa Dư Hàng có kiến trúc bề thế, khuôn viên hoàn chỉnh, gồm tòa Phật điện 7 gian, gác chuông cao 3 tầng, mái đao cong vút, quả chuông đồng cỡ lớn, chữ đề: “Phúc Lâm tự chung”, nghĩa là chuông chùa Phúc Lâm. Chùa còn có một gác chuông 5 gian 2 tầng, treo một quả chuông lớn. Tiền đường cách gác chuông một sân rộng; bên phải là 5 gian nhà tổ, nhà thọ trai và nhà ngang; bên trái là 5 gian nhà hậu.

Quang cảnh chùa hiện vẫn giữ được giá trị kiến trúc của quần thể gần gũi với thiên nhiên, thanh bình giữa lòng thành phố. Bước qua tam quan, dừng lại khoảng sân rộng ngắm ngôi chùa được xây theo kiểu chữ “đinh”, du khách đến chùa cảm nhận được sự tịnh tâm, lắng lòng mình khi thắp nén hương thơm trước chính điện.

Chính vì thế, từ lâu với người dân Hải Phòng, chùa Dư Hàng là điểm tâm linh không thể bỏ qua vào những ngày Rằm, mồng một, Tết Nguyên đán. Dù không quá nổi tiếng về quy mô, nhưng theo khẳng định của nhiều người thì sự linh thiêng của chùa đã nức tiếng xa gần. Rất nhiều người đã đến đây để cầu mong gặp được điều bình an, may mắn trong cuộc sống.
Đình Hàng Kênh
Đình Hàng Kênh nằm ở phố Nguyễn Công Trứ, phường Hàng Kênh, (quận Lê Chân), đây là ngôi đình thờ Đức vương Ngô Quyền, có giá trị lịch sử, kiến trúc, điêu khắc nổi bật và được đánh giá là một trong những ngôi đình tiêu biểu cho đình làng Việt Nam.
hoaphuongdo.vn dichuadaunam3
Đình Hàng Kênh
Trong đình hiện còn nhiều hiện vật có giá trị như tượng Ngô Vương Quyền, kiệu bát cống, hoành phi câu đối, chiêng trống, chuông đồng được trang trí, điêu khắc rất tinh xảo…

Đến nơi đây, du khách thập phương không chỉ đơn thuần dự lễ hội truyền thống mùa xuân, cầu phúc đầu năm mà còn có dịp tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc của ngôi đình cổ tiêu biểu này.
Chùa Vẽ
Chùa Vẽ có tên chữ là Hoa Linh Tự, gắn liền với những dấu ấn lịch sử oanh liệt chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 1287 -1288 của nhà Trần. Chùa nằm trên phố Đà Nẵng (Đoạn Xá), phường Đông Hải, quận Hải An.
hoaphuongdo.vn dichuadaunam4
Chùa Vẽ luôn thu hút đông đảo người dân, du khách đến vãn cảnh
Tới chùa Vẽ và những ngày xuân, du khách được chiêm ngưỡng đầy đủ những tượng pháp, nghi tượng và đồ thờ tự, hiện vật được bảo tồn đều là cổ vật quý giá, đặc biệt là hệ thống tượng pháp, tượng thánh thần, tượng Hậu Phật, tượng Sư Tổ…

Chùa Vẽ thu hút nhân dân và du khách thập phương không chỉ bởi sự linh thiêng, nơi đây còn là một nơi hội tụ nét kiến trúc tuyệt đẹp. Về thăm viếng nơi đây, quý khách sẽ cảm thấy lòng mình thật thư thái, nhẹ nhàng đến lạ thường.
Chùa Đỏ
Chùa Đỏ hay còn gọi là Linh Độ Tự, tọa lạc trên đường Lê Lai (quận Ngô Quyền), ngôi chùa gắn với lịch sử trận thủy chiến tiêu diệt đoàn thuyền của Ô Mã Nhi rút chạy qua cửa Bạch Đằng. Theo truyền ngôn, năm Mậu Tuất (1288) , Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khi đến vùng An Dương để nghiên cứu trận địa đã lấy Linh Độ Tự làm nơi quân ta nổi lửa nuôi quân đánh trận. Trong chùa hiện có pho tượng Thích Ca bằng gỗ mít cao 5,4m là pho tượng Phật bằng gỗ lớn nhất Việt Nam hiện nay.
hoaphuongdo.vn dichuadaunam5
Chùa Đỏ nổi tiếng về sự linh thiêng
Chùa Đỏ được trùng tu, sửa chữa nhiều lần với quy mô ngày một mở mang đẹp đẽ, xứng đáng với truyền thống lâu đời, phù hợp và đậm đà bản sắc của dân tộc.

Theo dân gian truyền miệng thì, những người đi lễ đầu năm đến chùa Đỏ sẽ gặp vận đỏ trong làm ăn kinh doanh và có được một năm kiếm thật nhiều tiền và kinh doanh thuận lợi. Chính vì thế các thương gia, các nhà doanh nghiệp, người dân ai cũng cố thu xếp đến dâng hương tại chùa. Cũng chính vì sự linh thiêng của mình, mặc dù nằm sâu trong một con ngõ và được bao bọc bởi khu dân cư, nhưng chùa Đỏ (Linh Độ Tự) vẫn là một địa chỉ tâm linh nức lòng dân người, du khách.
Từ Lương Xâm
Nằm trên địa bàn phường Nam Hải, quận Hải An, Từ Lương Xâm không chỉ là một trong 3 “Linh Từ” của nhân dân quận Hải An (gồm Từ Lương Xâm, Phủ Thượng Đoạn, đền Phú Xá) mà trở thành điểm tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương. Mà trong số các di tích thờ Đức vương Ngô Quyền trên địa bàn quận Hải An, Từ Lương Xâm được suy tôn là “Từ Cả” - tức là nơi đứng đầu về thờ Ngô Quyền, là căn cứ đại bản doanh của Ngô Quyền khi ông chỉ huy trận Bạch Đằng năm 938.
hoaphuongdo.vn dichuadaunam6
Từ Lương Xâm - một trong chốn linh thiêng bậc nhất quận Hải An và TP Hải Phòng
Lễ hội Từ Lương Xâm được diễn ra trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng. Cũng chính nhờ sự linh thiêng của Từ, ngay từ những ngày đầu năm nhân dân và du khách nô nức kéo về dâng hương tưởng nhớ bậc tiền nhân xưa, hướng về tổ tiên, nguồn cội và cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa. Vì thế, nơi đây thường rất đông du khách tới hành lễ.
Đền Bà Đế
Đền Bà Đế nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải, Quận Đồ Sơn. Đền là một trong những đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng. Ðền thờ bà Đế - vợ chúa Trịnh Giang. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong “Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân”.

Tương truyền, vào thế kỷ thứ 18, Chúa Trịnh Giang đi thị sát trận địa, đến Đồ Sơn gặp được một thôn nữ làng chài Đào Thị Hương đem lòng yêu mến rồi kết duyên. Khi Chúa Trịnh về kinh đô Thăng Long, vì bận công việc chưa kịp làm lễ cưới, nàng thiếu nữ mang thai. Theo lệ làng, thiếu nữ bất hạnh phải chịu hình phạt cạo đầu, bôi vôi, đeo đá dìm xuống biển. Nỗi oan ức thấu trời vì chưa gặp lại được Chúa Trịnh, linh hồn thiếu nữ đã hiển linh trên biển để chứng minh sự oan khuất của mình. Một thời gian sau, Chúa Trịnh đưa thuyền hoa đến rước nàng về kinh đô. Biết chuyện oan khuất, chúa Trịnh Giang cho xây đền, lập đàn giải oan cho bà. Đền thờ Bà được lập dưới chân núi Độc, vì thế gọi là đền Bà Đế (từ Đế có thể do nói lái của từ Độc).
hoaphuongdo.vn dichuadaunam8
Đền Bà Đế - điểm tâm linh người dân không nên bỏ qua dịp Tết này
Người đời sau thương tiếc và khâm phục lòng thuỷ chung của bà. Nhiều người đã đề thơ ca ngợi: “Lòng sáng như băng trời đất biết/ Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay/ Ðế Bà hương lửa nghìn thu ấy/ Ðể giải hồn oan cõi thế này”.

Mọi người đến Đền Bà để xin tài, xin lộc và đặc biệt cùng Bà giải mọi nỗi oan khuất mà mình gặp phải. Hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân, đền Bà Đế đón hàng vạn du khách thập phương đến tham quan và hành lễ.

Mặc dù linh thiêng, nhưng có tin đồn, các cặp đôi đang yêu nhau mà cùng nhau tới đền, rất dễ đứt sợi tơ duyên. Điều này chưa được kiểm chứng nhưng nhiều người vẫn tin theo.

0 comments:

Post a Comment

 
Top