Biểu tượng đoạt điểm cao nhất cuộc thi
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Giám khảo cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố Hải Phòng lần thứ 4 vừa chấm điểm xong vòng chung khảo. Kể từ khi phát động tháng 8-2014 đến cuối năm 2015, Ban tổ chức cuộc thi tiếp nhận 239 mẫu của các tác giả trong và ngoài thành phố gửi về và Hội đồng Giám khảo chọn được 3 mẫu vào chung khảo. Trong đó, mẫu biểu tượng của họa sĩ Phạm Đức Quang được đánh giá cao nhất.
Được biết, họa sĩ Phạm Đức Quang từng được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen về thành tích là tác giả đề án chọn hoa phượng đỏ là biểu trưng của thành phố. Họa sĩ Phạm Đức Quang cho biết, tác phẩm của ông là kết quả của 10 năm suy nghĩ, đúc kết để sáng tác, tìm ra mẫu biểu tượng phù hợp nhất với các tiêu chuẩn Ban tổ chức đề ra. Để có tác phẩm sinh động, ông từng nhờ một số sứ quán Việt Nam, gặp gỡ người Việt sống và làm việc ở nước ngoài đề nghị cho biết suy nghĩ của họ khi rời xa Hải Phòng. Họ bảo điều họ nhớ nhất đến Hải Phòng là hình ảnh những con tàu và hoa phượng. Năm 2013, khi làm đề án chọn hoa phượng là biểu trưng cho thành phố, thì ý tưởng về biểu tượng Hải Phòng cũng chạm gần tới trong suy nghĩ của tác giả. Sau đó, ông Quang tiếp tục gặp gỡ các nhà khoa học và Hội đồng hương Hải Phòng tại các nơi để xin ý kiến. Nói về mẫu biểu tượng của mình, họa sĩ Phạm Đức Quang cho biết: “Đó là sự kết hợp của cả 3 hình ảnh: hoa phượng, con tàu và hình ảnh những con sóng. Trong đó hình ảnh con sóng như bàn tay nâng đỡ con tàu Hải Phòng (được cách điệu từ chữ HP) chở những chùm hoa phượng đỏ rực. Tựu chung lại, biểu tượng Hải Phòng trong sáng tác của tôi là hình ảnh con tàu Hải Phòng chở những niềm vui thành tựu kinh tế- xã hội, niềm hy vọng vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế”.
Đảo đèn Long Châu có lịch sử hơn 100 năm luôn là tâm điểm để sáng tác biểu tượng về Hải Phòng. |
Tuy nhiên, theo họa sĩ Đặng Tiến, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, thành viên Hội đồng giám khảo, cho tới thời điểm này, tác phẩm của họa sĩ Phạm Đức Quang mới chỉ là tác phẩm đạt số điểm cao nhất tại cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố, chứ chưa được coi là biểu tượng Hải Phòng và chưa đáp ứng mong mỏi của Ban tổ chức. Muốn tác phẩm này trở thành biểu tượng của thành phố, cần phải bổ sung nhiều yếu tố. Đó là về mặt nội dung. Còn về hình thức, đương nhiên phải trình UBND thành phố phê duyệt, HĐND thành phố thông qua và được dư luận xã hội đồng tình.
Cơ hội vẫn bỏ ngỏ
Kể từ năm 1993, cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố Hải Phòng lần đầu được phát động, thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, trong đó có các họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư. Sau rất nhiều lần hội thảo, phát động các cuộc thi sáng tác biểu tượng thành phố, vẫn chưa có mẫu nào được chọn để trở thành biểu tượng chính thức. Ngay cả cuộc thi diễn ra thời điểm thành phố đăng cai tổ chức năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, nhằm tìm một biểu tượng để in lên quà tặng cho du khách cả nước cũng không đạt được. Cuối cùng thành phố vẫn chấp nhận phương án chờ tìm được một tác phẩm thật sự ưng ý, không vì vội vàng mà chọn một tác phẩm “cho qua chuyện”.
Vì vậy, cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố Hải Phòng lần thứ 4 được tổ chức không nằm ngoài mong muốn nhằm tìm được một mẫu biểu tượng đặc trưng, mang dấu ấn Hải Phòng chứ không tổ chức rồi kết “để đấy”, vừa kéo dài thời gian, công sức và cả tiền bạc của người tổ chức cũng như những người tham gia thi... Nhưng mặc dù được “khoanh vùng” đề tài, trong 293 tác phẩm của các tác giả gửi về, không ít tác phẩm còn mang tính cá nhân, không tiêu biểu hoặc quá tham chi tiết, thậm chí lệch hẳn so với trục đề tài chính của cuộc thi.
Đối với những người yêu thích du lịch, các biểu tượng của đất nước, thành phố trên thế giới như nằm lòng bàn tay. Ví dụ như tượng Nữ thần tự do là biểu tượng của nước Mỹ, tháp Eiffel là biểu tượng của nước Pháp, đồng hồ Big Ben của nước Anh, Kim Tự Tháp của Ai Cập, Nhà hát Opera của TP Xít-ni (Ô-xtrây-li-a). Còn ở Việt Nam, Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, cầu Rồng bắc qua sông Hàn là biểu tượng của Đà Nẵng, Bến Nhà Rồng là biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh…Ở Hải Phòng, khi phát động cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Khắc Nam từng kêu gọi các họa sĩ, kiến trúc sư và tất cả những người yêu thành phố Hải Phòng bằng tâm huyết, tình yêu và tài năng của mình hãy sáng tạo để thành phố Hải Phòng có một biểu tượng chứa đựng giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa, đồng thời thể hiện hiện tại và tương lai của thành phố Cảng xanh, văn minh hiện đại theo Kết luận 72 của Bộ Chính trị. Còn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Duy Linh cho biết:“Mẫu biểu tượng cần đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết, có tính khái quát và thẩm mỹ cao, thuận tiện in ấn, chạm khắc, đắp nổi, phóng to, thu nhỏ trên mọi vật phẩm với các chất liệu khác nhau”. Xem ra, việc tìm ra biểu tượng cho thành phố còn bỏ ngỏ và cơ hội vẫn dành cho những người yêu đất Cảng, quan tâm và có tài năng thực sự.
0 comments:
Post a Comment