Khi thấy người phụ nữ nghèo không
đủ tiền đóng phạt cho đứa con vi phạm giao thông, thiếu úy Thịnh Hưng
(phòng CSGT Đà Nẵng) đã tự bỏ tiền túi ra để góp vô cùng cô đóng phạt.
Đó là một câu chuyện thường ngày mà chúng tôi có dịp được
nghe anh Phan Thịnh Hưng - Thiếu úy cảnh sát hiện đang công tác tại
Phòng CSGT Đà Nẵng kể lại. Thiếu úy Thịnh Hưng vốn đã quen thuộc với
nhiều người khi xuất hiện thường xuyên trên các bài báo kể về "Một ngày làm CSGT" của cậu bé ung thư ở Đà Nẵng. Anh Hưng chính là nguời chở bé Tuấn Dũng trên chiếc xe đặc chủng của CSGT để làm "nhiệm vụ".
Thiếu úy Phan Thịnh Hưng.
Hẳn
bạn vẫn còn nhớ câu chuyện đầy xúc cảm đó vào tháng 11 năm ngoái, trong
ngày sinh nhật 11 tuổi của bé Đỗ Tuấn Dũng, một chiếc xe đặc chủng của
Công an TP. Đà Nẵng đã đến trước cổng Bệnh viện ung bướu. Và rồi cậu bé
đang phải chống chọi với ung thư được mặc áo chiến sỹ CSGT, bắt đầu một
ngày sống với ước mơ của mình.
Những chiến sỹ CSGT Đà Nẵng đã tiếp lửa ước mơ cho cậu bé Đỗ Tuấn Dũng.
Ngày
hôm ấy, em đã được khoác lên người bộ quân phục CSGT. Đại tá Lê Ngọc -
Trưởng Phòng PC67 còn chuẩn bị sẵn một chiếc còi của lực lượng CSGT,
trịnh trọng đeo lên cổ Dũng và hai người đưa tay chào nhau trước khi
Dũng ra xe đặc chủng của CSGT để “làm nhiệm vụ”. Rồi Dũng đã được đứng
trên đường, cầm gậy điều khiển giao thông trong ngày sinh nhật của mình.
Sau
ngày hôm đó, những chiến sỹ của phòng CSGT Đà Nẵng trở lại với công
việc hàng ngày, Dũng tiếp tục điều trị tại Bệnh viện với một niềm tin,
khát khao sống trong em mãnh liệt và lạc quan hơn trước.
Câu chuyện "Một ngày làm CSGT" của cậu bé ung thư Đỗ Tuấn Dũng đã khiến nhiều người xúc động trong suốt thời gian qua.
Một kịch bản đầy tình yêu mà người lớn dành cho trẻ con
Chúng
tôi có dịp gặp gỡ các chiến sỹ của phòng CSGT Đà Nẵng vào một ngày đầu
tháng 12, khi câu chuyện của bé Dũng vẫn còn in đậm trong tâm trí những
chiến sỹ tại đây. Dù rằng các anh đều cho biết tất cả những tình huống
xảy ra trong thời khắc bé Dũng làm nhiệm vụ trên đường phố đều là… diễn,
nhưng đó là những vai diễn có ý nghĩa rất lớn với Dũng.
Tham
gia cùng phòng CSGT Đà Nẵng hôm đó còn có mặt đoàn viên thanh niên, hội
từ thiện, phụ nữ, những y tá, bác sĩ điều trị cho bé Dũng. Tất cả mọi
người đều đảm nhận những vai diễn khác nhau để mang đến một ngày sinh
nhật đặc biệt cho Dũng. Các đoàn viên, phụ nữ, CSGT cùng các bác sĩ dựng
một hoạt cảnh để cậu bé lên xe đặc chủng tuần tra, kiểm soát giao
thông. Sau đó, Dũng đứng trên đường và cầm gậy điều khiển giao thông làm
nhiệm vụ. Các bác sĩ đóng vai người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm và
bị lập biên bản xử phạt.
Những người lớn đóng giả là người vi phạm luật giao thông và được Dũng nhắc nhở, phổ biến luật.
Em còn được ngồi trên xe đặc chủng của cảnh sát và sử dụng bộ đàm để làm "nhiệm vụ".
Trước
sinh nhật của Dũng một ngày, đại úy Thái Anh Tuấn - Đội trưởng Đội
tuyên truyền - xử lý đã đến gặp gỡ và “làm quen” với mẹ con Dũng. Đại úy
chia sẻ: “Dũng là một cậu bé có khuôn mặt rạng rỡ và tươi sáng. Khi
tiếp xúc với Dũng, tôi thực sự không muốn tin cậu bé đang phải chống
chọi với căn bệnh ung thư trong đau đớn từng ngày. Chúng tôi xây dựng
kịch bản và hoạt cảnh để em có thể thực hiện nhiệm vụ của mình như một
người cảnh sát. Kịch bản có thể không hoàn hảo, nhưng đã tạo được niềm
vui và hạnh phúc trong em…”.
Đại úy Thái Anh Tuấn - Người trực tiếp phụ trách kịch bản "Một ngày làm CSGT" dành cho bé Dũng.
Đại
úy Anh Tuấn nói, nếu sau này phòng CSGT tiếp nhận những ước mơ khác của
các em bé có hoàn cảnh tương tự, trong khả năng mà các anh có thể thực
hiện, các anh vẫn sẽ làm hết mình để giúp đỡ các em. “Dũng nói em
muốn làm CSGT để giúp mọi người không bị tai nạn. Trong mắt Dũng, hình
ảnh chiến sỹ CSGT lúc nào cũng đẹp đẽ và là ước mơ cháy bỏng của em, ước
mơ đó đã truyền cảm hứng rất lớn cho chúng tôi, để chúng tôi có thể
tiếp tục phấn đấu hơn nữa với trọng trách mà người dân thành phố luôn
tin tưởng giao phó”, Đại úy nói.
"Dũng ngồi sau xe mà tôi tưởng như em trai của mình"
Là
người hướng dẫn và chở bé Dũng đi “tuần tra” trật tự đường phố, thiếu
úy Phan Thịnh Hưng có lẽ là người gần gũi và cảm mến cậu bé ngây thơ này
hơn ai hết. Thiếu úy cho biết khi được phân công chở Dũng trên chiếc mô
tô đặc chủng, Dũng đã rất vui và hào hứng, sự hồn nhiên trong trẻo đó
của Dũng đã khiến anh cảm thấy yêu thương cậu bé này nhiều hơn.
Thiếu úy Phan Thịnh Hưng vẫn luôn ghi nhớ những khoảnh khắc đáng yêu của Dũng khi ngồi sau xe anh.
“Tôi
hạnh phúc lắm vì cảm nhận mình đã tạo được niềm vui cho một đứa bé.
Dũng ngồi sau tôi và luôn miệng nói rằng em rất thích, rất vui. Khi nghe
tiếng cười của Dũng, tôi thấy mình không còn là một CSGT thường ngày
nữa mà như đã hóa thành người anh trai của bé vậy”, thiếu úy Thịnh Hưng nhớ lại khoảnh khắc ngày hôm đó.
Cũng
như thiếu úy Hưng, những chiến sỹ CSGT ngày hôm đó không thể quên câu
nói ngây ngô của Dũng, khi thấy mọi người bật khóc, Dũng hỏi: “Em vui mà sao ai cũng khóc?”.
Anh Hưng nói, các chị em trong hội phụ nữ PC 67 dù rất cố gắng nhưng
không thể kìm được nước mắt khi nghe Dũng chia sẻ niềm vui và ước mơ của
em. Mọi người không ai muốn tin rằng Dũng đang chống chọi với căn bệnh
tàn ác đe dọa mạng sống của em từng ngày như thế.
Hiện tại, Dũng vẫn đang được điều trị và vô hóa chất tại bệnh viện ung bướu Đà Nẵng.
Những câu chuyện ấm lòng từ phòng CSGT Đà Nẵng
Hàng
năm, trong đơn vị CSGT Đà Nẵng đều giao cho đoàn viên, hội phụ nữ tổ
chức nuôi heo đất để giúp đỡ phụ nữ nghèo vượt khó và các em học sinh có
hoàn cảnh khó khăn. Vào các dịp tết thiếu nhi, tết Trung Thu, phòng
CSGT Đà Nẵng cũng tổ chức các chương trình tặng quà tại bệnh viện Ung
bướu Đà Nẵng và các trung tâm trên địa bàn thành phố để chia sẻ và động
viên các em nhỏ.
Bên lề cuộc trò chuyện, Đại úy Thái Anh Tuấn cũng thân thiện chia sẻ với chúng tôi, rằng anh không hiểu sao câu chuyện một CSGT xử phạt người vi phạm bằng cách bắt mua kẹo cao su cho cụ bà
lại được lan truyền rộng rãi đến như thế. Anh nói, đến giờ phút này
không ai biết đồng chí đó là ai, nhưng những câu chuyện như thế không
phải là chuyện hiếm.
Tôi
hỏi đùa rằng, nếu lần đầu đến Đà Nẵng, còn bỡ ngỡ đường xá rồi bị xử
phạt vì chạy sai đường thì có được “nương tay” không. Đại úy cười và
nói: “Thật ra từ trước đến nay chủ trương của chúng tôi là đối với khách
du lịch hoặc người ở tỉnh khác đến thì chúng tôi thực hiện dừng xe,
giải thích lỗi vi phạm cho người dân chứ không xử phạt hành chính”.
Còn với thiếu úy Thịnh Hưng, khi chúng tôi hỏi trường hợp xử phạt hành chính nào khiến anh nhớ đến tận bây giờ. Anh kể: “Lúc
trước tôi có tiếp nhận một biên bản xử phạt lỗi chạy xe sai quy định và
không có giấy tờ. Đến ngày đóng phạt, một người phụ nữ trông nghèo khổ,
lam lũ đến nói người vi phạm là đứa con trai đang thất nghiệp của mình
nên xin được miễn giảm tiền phạt vì gia đình không có khả năng đóng.
Trường hợp của cô không có tình tiết giảm nhẹ, quyết định đã đưa ra,
biên bản đã được con trai của cô ký thì không thể sửa đổi được. Tôi bèn
lấy tiền túi của mình ra để góp vô cùng cô đóng phạt. Lúc đó, cô ấy nhìn
tôi rồi nghẹn ngào rơi nước mắt, làm tôi cũng bối rối nhưng cũng giải
thích rõ cho cô và con trai để tránh tái phạm lỗi về sau”.
Đối
với Dũng, các chú cảnh sát giống như những người anh hùng bước ra từ
truyện cổ tích, uy lực và đẹp đẽ. Còn với người dân Đà Nẵng, bao lâu nay
họ đã nhìn thấy đằng sau sự nghiêm nghị của những chiến sỹ giữ gìn trật
tự an ninh thành phố là những con người luôn mang trong mình trái tim
và nghĩa cữ cao đẹp.
0 comments:
Post a Comment