85% vụ cháy chưa rõ nguyên nhân
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) - cơ quan có chức năng điều tra và xử lý các vụ cháy thì năm 2011 có tới 196 vụ cháy xe máy ô tô đã xảy ra trên cả nước, trong có 90 vụ không rõ nguyên nhân (chiếm khoảng 50%), còn lại là do va chạm tai nạn giao thông, sự cố điện, sự cố kỹ thuật, lỗi sơ suất và cố tình đốt xe.
Sang năm 2012, số vụ cháy nổ xe máy ô tô đã tăng đột biến khi chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm (tính đến ngày 10/2) đã xảy ra 47 vụ và có tới 40 vụ không rõ nguyên nhân (chiếm tỷ lệ 85%), còn lại là do những lỗi thông thường khác. Cơ quan này cũng cho biết, trong số 47 vụ cháy nói trên thì nhiều trường hợp xe đã quá cũ nát, hệ thống điện đã bị can thiệp lắp ráp thêm các thiết bị hoặc sử dụng nhiên liệu không phù hợp.
Số vụ cháy xe ngày càng gia tăng (ảnh mình họa: Quang Phong)
Sau gần 200 vụ cháy xe xảy ra trong suốt năm 2011 thì phải đến đầu năm 2012, việc đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đứng ra nhận trách nhiệm đã giảm bớt phần nào sự căng thẳng của hàng triệu người dân đang sử dụng ô tô, xe máy và cả những “nạn nhân” của các vụ cháy xe được cho là đã rồi.“Việc các cơ quan chức năng chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm trong các vụ cháy, nổ ô tô xe máy là một khoảng trống về pháp luật. Từ năm 2012, đã cháy nổ xe thì Bộ GTVT với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đứng ra nhận trách nhiệm, trong đó trước hết là Cục Đăng kiểm Việt Nam…” - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Tuy nhiên, gần đây tình trạng cháy xe máy, ô tô lại tái diễn và con số 85% số vụ chưa rõ nguyên nhân đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng đối với người dân, trong khi đó các cơ quan có trách nhiệm lại chưa đưa ra được một lời giải thích nào thỏa đáng cho sự cháy nổ và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Không phải quá sớm cho việc tìm đến cơ quan chức năng, nhưng PV Dân trí đã khá chật vật trong mỗi lần liên hệ, bởi lãnh đạo của các đơn vị có chuyên môn thuộc Bộ KH&CN tham gia làm rõ nguyên nhân cháy xe này luôn đưa ra các lí do để tránh báo chí như: “Tôi vừa đi công tác về nên không rõ”, “Việc này đã giao cho cấp dưới”, “Tôi không rõ lắm, chỉ nghe nói là có kết quả sơ bộ gì đó”...
Phải chờ... một năm nữa!
Hiện nay cả nước có 37 triệu phương tiện, trong đó có 2 triệu ô tô và 35 triệu xe máy. Trước tình trạng cháy xe máy, ô tô liên tiếp xảy ra ở khắp các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao 4 Bộ là GTVT, Công an, Công Thương và Bộ KH&CN khẩn trương làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ công bố thuyết phục nào được đưa ra.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT cho biết: “Khi nào tìm ra nguyên nhân chính thức gây cháy xe là câu hỏi tất cả mọi người đều mong đợi, nhưng phải khẳng định là chỉ có 1 nguyên nhân chính và chủ yếu gây cháy xe. Theo chỉ đạo, Cục Đăng kiểm đã chủ trì phối hợp với các cơ quan trong và ngoài ngành GTVT xây dựng đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy nổ đối với ô tô và xe máy.
Nội dung của đề tài này bao gồm nhiều phần việc khác nhau như: chất lượng nhiên liệu, việc bảo dưỡng sửa chữa xe, kết cấu và vật liệu sử dụng trên xe... Hiện nay đề tài đã qua 2 bước là thẩm định nội dung và thẩm định tài chính, nay đang chờ Bộ KH&CN phê duyệt kinh phí”.
37 triệu phương tiện đang trông chờ vào 1 đề án nghiên cứu của cơ quan
hữu trách nhằm tìm kiếm "thủ phạm" gây cháy xe
Ông Giao nêu ra 4 cơ quan tham gia nghiên cứu đề tài này, gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học GTVT Hà Nội, Viện Công nghệ hóa dầu - Bộ Công thương và Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam.Cũng theo ông Giao, thời gian nghiên cứu đề tài nói trên phải mất 18 tháng để thực hiện nhiều cuộc thực nghiệm thật, nhưng trong tình hình cấp bách hiện nay thì cố gắng rút ngắn khoảng 1 năm là có thể đưa ra được một số kết quả chính, còn những thử nghiệm trong đề tài nhất thiết phải làm thì cũng phải chờ đến thời hạn mới rõ.
Đặt câu hỏi về những nghi ngờ xăng dầu là nguyên nhân gây cháy xe, ông Giao thừa nhận đây cũng là một vấn đề Thủ tướng nhắc nhở và Bộ KH&CN đang tìm hiểu, Viện Công nghệ hóa dầu của Bộ Công thương cũng chú ý thử nghiệm và 1/3 công việc nghiên cứu là đang tập trung vào xăng dầu.
“Việc khẳng định xăng dầu là nguyên nhân trong những vụ cháy vừa qua rất là khó, vì xe cháy rồi thì không có mẫu xăng; một số mẫu xăng khác đã lấy thì đều đảm bảo chất lượng. Tóm lại để biết rõ nguyên nhân có phải do xăng dầu hay không thì phải chờ thử nghiệm của Viện Công nghệ hóa dầu và quá trình thực hiện đề án nghiên cứu cấp nhà nước nước về xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy nổ đối với ô tô và xe máy” - ông Giao nhấn mạnh.
Nhìn nhận về vấn đề cháy nổ xe máy, ô tô, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Giám định dân sự, Liên Hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cho rằng: “Việc xử lý hậu các vụ cháy xe ở nước ta là chậm chạp, và khi sự lo lắng của người dân chưa được trả lời thì cuộc sống chưa thể an tâm. Tôi nghĩ rằng cơ quan Đăng kiểm thông báo 1 năm sau mới có một số kết quả chính là quá lâu”.
Theo ông Hùng, nên xem lại cơ chế hiện nay, khi có một sự việc nào đó trong xã hội xảy ra thì phải có câu trả lời cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Ông Hùng cho rằng, với việc làm rõ nguyên nhân cháy nổ xe chỉ nên giao cho Bộ KH&CN là hợp lý và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ này, vì nếu giao cho một Bộ mà xăng hoặc xe lại chịu sự quản lý của mình thì e rằng có lúc sẽ vướng.
Nguyên nhân cháy xe thì có nhiều, không ai có thể phủ nhận, tuy nhiên, khi ghi nhận rộ số vụ cháy xe nhiều hơn so với thời gian trước thì ông Hùng thiên về vấn đề nhiên liệu nhiều hơn. Ông Hùng cũng khẳng định nhiều nhà khoa học và đa số nhân dân cũng đều ủng hộ giả thiết về xăng dầu.
0 comments:
Post a Comment