THIÊN ĐƯỜNG THỜI TRANG NỮ HẢI PHÒNG

'Quan điểm của chị Trang Hạ quá phiến diện... Chẳng lẽ chúng tôi làm gì cũng phải báo cáo người khác', anh Trung (Hà Nội) bức xúc nói.
Bài viết của nhà văn Trang Hạ "Tết là dịp để đàn ông vô tâm" đang gây xôn xao cộng đồng mạng vài ngày qua. Theo chị Trang Hạ, trong dịp Tết, người phụ nữ phải tất bật với đủ thứ việc không tên như cúng bái, làm cỗ, trang trí, dọn dẹp nhà cửa trong khi đàn ông chỉ việc ngồi chơi xơi nước, thảnh thơi ngồi mâm trên chúc tụng, uống rượu, đánh cờ...
Quan điểm này của chị ngay lập tức nhận phải những ý kiến phản đối gay gắt của các ông chồng. Anh Trung (công nhân điện ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Tôi thừa nhận ngày Tết phụ nữ có bận rộn hơn ngày thường khi phải lo đủ thứ chuyện, nhưng đàn ông chúng tôi cũng chẳng nhàn rỗi gì. Chúng tôi cũng dọn dẹp bàn ghế, kê đồ đạc, mua đào quất, quét dọn mạng nhện, sửa đồ hỏng... Có điều đàn ông chúng tôi không thích nói ra, kể lể nhiều như chị em phụ nữ vẫn thường làm. Chẳng lẽ vừa sửa đồ vừa chạy sang 'báo cáo' ông hàng xóm, gặp gỡ bạn bè lại suốt ngày khoe 'Ôi vất vả quá hôm nay sửa cái tivi đau hết cả tay, ăn xong có chục cái xe máy đang chờ rửa kia' hay phải chụp ảnh up Facebook để cho người ta thấy. Không, chúng tôi không làm thế. Chúng tôi làm nhưng không nói, người ta gọi chúng tôi là vô tâm sao".
Anh Trung chia sẻ thêm nhà anh hai vợ chồng làm Nhà nước, năm nào cũng sát Tết mới được nghỉ. Chị thường sắm sửa một số đồ thực phẩm trước, đồ gì cần mua mới trong nhà hai vợ chồng cùng đi xem sau. Cả nhà quy định một hôm dọn dẹp, lau toàn bộ nhà cửa để cùng nhau làm. Các con dọn phòng mình, lau mấy đồ lặt vặt, bố mẹ phụ trách quét nhà, lấy mạng nhện hay kê lại đồ đạc, thay đổi phong thủy theo từng năm.
"Cái thời đàn ông nằm ườn trên ghế chỉ đạo vợ đã xưa lắm rồi, hoặc chỉ còn một số ít ở làng quê vẫn còn nặng phong kiến thôi. Xã hội thời nay có mấy người dám 'cưỡi lên đầu vợ' nữa đâu, to tiếng, đánh đập phụ nữ là bị kiện ngay. Thế nên tôi chẳng dám vô tâm", anh Trung cho biết.
phu-nu-kho-nhuc-dan-ong-vo-tam-dip-tet-y-kien-gay-bao-cua-trang-ha
Nhà văn Trang Hạ (phải) cho rằng nhiều đàn ông Việt để mặc vợ con quần quật lo cho Tết. 
Là con trai gốc Hà Nội nhưng anh Linh cùng hai em trai mình luôn đảm nhận nhiệm vụ làm cỗ mỗi lần cả nhà tụ tập, Tết cũng không ngoại lệ. Mấy năm nay, cả nhà thường có thói quen đặt trước một con lợn rừng, sau đó chia đều cho mấy anh em, phần còn lại để làm bữa ăn chung ngày cuối năm. Các bà vợ chỉ làm những món lặt vặt như rau xào, nộm, còn những món chính trên mâm cỗ đều do các anh chế biến.
Anh Linh chia sẻ: "Người ta nói trai phố chẳng biết làm gì là không đúng, nói đàn ông vô tâm dịp Tết lại càng sai. Mọi người cứ thử đến nhà tôi, nhìn anh em tôi tay dao tay thớt nấu nướng sẽ biết. Tôi nghĩ mọi người cùng nhau làm vừa vui vẻ, vừa nhanh, tình cảm lại thêm gắn bó. Trong bữa cơm có nhiều người, có những chuyện không tiện chia sẻ nhưng khi mấy anh em cùng làm lại dễ nói hơn. Tôi nghĩ việc chúng tôi nấu ăn, xong chị em dọn dẹp cũng là chuyện thường. Mỗi người một công một việc, cứ đi xét nét so đo xem ai làm nặng, làm nhẹ thế nào thì bao giờ mới hết Tết".
Hiểu tâm lý thích làm đẹp của chị em phụ nữ dịp Tết, anh Linh cũng thoải mái cho vợ đi shopping, làm tóc, móng tay. Anh nói việc nhà làm không hết có thể thuê thêm người giúp việc theo giờ để vợ chồng, con cái thoải mái, có nhiều thời gian bên nhau hơn. Anh cũng là người hay lôi bạn bè về nhà ăn uống, biết công việc dọn dẹp rửa bát khá mệt nên anh luôn nhận phần nấu nướng, việc của vợ chỉ là trang trí, bày biện sao cho đẹp.
Nhiều bà vợ cũng phản đối ý kiến của Trang Hạ. Tuy vậy, có không ít người lại ủng hộ nữ nhà văn. Chị Hồng Nhung (Hòa Bình) cho biết chị sợ nhất mỗi dịp Tết vì tất cả mọi việc trong nhà đều đến tay chị.
"Chồng tôi nhiều bạn bè, tính cả nể nên ai mời đi đâu cũng đi, có mặt ở nhà mỗi tối hôm giao thừa. Mấy ngày trước Tết anh ấy cũng chỉ chăm chăm tỉa tót mấy cây cảnh trước nhà, chẳng giúp tôi dọn dẹp nhà cửa gì hết. Một tay vừa chăm con, vừa đi chợ nấu nướng, tôi mệt mỏi không thở được. Trong năm, tôi sợ nhất mấy ngày này, chỉ mong Tết chỉ có một ngày cho nhẹ nhàng", chị Nhung cho hay.
Nhiều bà vợ cũng rơi vào tình huống tương tự chị Nhung khi chồng không giúp hoặc chỉ phụ rất nhỏ những công việc bộn bề ngày Tết. Nhiều ông chồng mặc nhiên cho rằng việc nấu nướng, dọn nhà là của phụ nữ, mình chỉ ăn uống, nhậu nhẹt, giao lưu với bạn bè.
Anh Trương Minh Sang (HLV đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia) chia sẻ anh không đồng tình cũng không phản đối quan điểm của nhà văn Trang Hạ, bởi theo anh mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có thể có nhiều ông chồng vô tâm nhưng mình không biết tới.
Bản thân anh, cả năm bận bịu với những chuyến đưa đội ra nước ngoài tập huấn, thi đấu nên dịp Tết anh luôn cố gắng giúp đỡ vợ dọn dẹp nhà cửa. Tết đến anh thường đi mua đồ ăn, đồ trang trí, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Có việc gì trong nhà có thể giúp vợ, anh đều cố gắng làm. Năm nay nhà anh có thêm em bé, chị sẽ bận bịu hơn với việc chăm con nên anh sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc đón Tết.
Chuyên gia tâm lý Trương Gia Bảo cho biết, ngày Tết là ngày của gia đình, vì thế người chồng càng cần quan tâm, chia sẻ với vợ con để mọi người cùng cảm thấy vui vẻ. Những công việc trong gia đình hầu như đàn ông đều có thể giúp vợ, chỉ có điều họ muốn làm hay không. Hãy nghĩ rằng mình làm việc này cho mình, cho vợ mình, cho con mình, không phải là nghĩa vụ mà là việc nên làm. Tết nhất nên tránh xô xát, cãi cọ làm ảnh hưởng không khí trong nhà, những gì bỏ qua được thì không nên nhắc lại. Không chỉ chuyện Tết nhất, mọi việc trong cuộc sống, vợ chồng cần phải hiểu và tôn trọng nhau hơn.

0 comments:

Post a Comment

 
Top